Trong tỉnh

Đường dân sinh bị “khai tử” bằng những cái hố sâu ở Nghệ An

Con đường duy nhất từ xóm Bến Hương, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để ra ngoài "bỗng dưng" bị đào từng hố sâu làm cho việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn, thậm chí gặp nguy hiểm. 70 hộ dân gần như bị tê liệt trong cuộc sống và công việc thường ngày.

Bỗng nhiên mất đường dân sinh

70 hộ dân, gồm 400 nhân khẩu ở xóm Bến Hương trình bày với PV báo Thời Đại: Con đường độc đạo duy nhất dẫn người dân ra "thế giới bên ngoài", giao lưu với xung quanh bỗng nhiên bị đào hố sâu. Những cái hố sâu này làm cho việc đi lại vô cùng nguy hiểm và công cuộc mưu sinh gần như bị trì trệ. Người dân có việc đi lại vào buổi tối, đêm không dám đi.

Con đường độc đạo của nhân dân xóm Bên Hương bị đào thành hố

Ông Lê Quang Trung, xóm trưởng cho biết: “Bao nhiêu đời nay, người dân xóm Bến Hương sử dụng con đò là phương tiện duy nhất để di chuyển ra bên ngoài. Cuộc sống nơi đây vốn dĩ đã vất vả bởi thiên nhiên không ưu đãi, lại càng khó nhọc hơn vì giao thông không thuận tiện. Bến Hương, đất nông nghiệp phần lớn là đất cằn sỏi đá.

Muốn trỉa được hạt bắp, hạt lúa xuống lòng đất, người dân phải đổ bao mồ hôi, công sức mới cày cuốc lên được. Không những vậy, con em của người dân xóm Bến Hương ngày mưa đi lại vô cùng vất vả, đường xuống bến đò trơn trượt, các cháu phải dò dẫm bấm từng ngón chân xuống nền đất có khi đến ứa máu. Còn chuyện bị ngã trầy xước chân tay, đến lớp trong bộ dạng lấm lem bùn đất là chuyện bình thường. Chỉ có những cháu học mẫu giáo được bố mẹ đưa qua bằng đò, còn phần lớn phải tự mình đi học, phó mặc số phận cho nhà đò”.

Đơn kêu cứu của 70 hộ dân xóm Bến Hương gửi đến báo Thời Đại

“Năm 2014, xã Nghĩa Khánh xây dựng Nông Thôn Mới (NTM) được nhà nước hỗ trợ mở tuyến đường Hương - Mươi phục vụ đời sống sinh hoạt cho bà con nhân dân xóm Bến Hương. Với chiều dài là 3,2km và 25 hộ gia đình hiến đất, hoa màu. Ban đầu, dự án đã bóc lớp đất phong hóa, không có hệ thống rãnh thoát nước, nên đường thuờng xuyên lầy lội, ngập tràn. Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã dẹp bỏ được phương tiện đi lại bằng đò là niềm phấn khởi vô cùng to lớn của bà con nơi đây”, ông Trung tiếp tục chia sẻ.

Người dân phải tự đắp lối nhỏ để đi lại với các xóm làng xung quanh

“Kỳ lạ thay, tuyến đường lưu thông chưa được bao lâu, đến năm 2016 gặp sự gây khó khăn của 1 gia đình (một trong 25 hộ gia đình đồng ý hiến đất), không cho bà con đi lại. Ngày 16/10/2017, khi bà con ra quân làm thủy lợi để chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch mía với diện tích 60ha, dự kiến khoảng 4.300 tấn nguyên liệu.

Vậy nhưng, gia đình anh C. này thông báo cho Ban cán sự xóm Bến Hương, không cho nâng cấp, tu sửa, vận chuyển nguyên liệu đi qua đất của gia đình, mặc dù tuyến đường thuộc dự án nhà nước đầu tư. Bà con nhân dân xóm Bến Hương rất bức xúc trước sự cản trở đi lại vì đây là tuyến đường duy nhất, theo ông Phan Văn Th. (một hộ dân - PV) phản ánh.

PV phải đi xe máy rất vất vả mới vào được nhà văn hóa xóm Bến Hương.

Cũng theo đơn kiến nghị của bà con nhân dân xóm Bến Hương gửi các cấp chính quyền thì: “Sau cơn bão số 2, năm 2017 gây thiệt hại hàng trăm héc ta keo. Nhiều loại hoa màu khác cần phải thu hoạch nhưng gia đình này cản trở, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhân dân xóm Bến Hương. Trong lúc bà con thu hoạch keo, gia đình này cấm vận chuyển đi qua, dù UBND xã Nghĩa Khánh đã can thiệp nhiều lần nhưng không thống nhất được.Họ vẫn rào ngang đường ngăn cản bà con lưu thông vận chuyển, nên số lượng nông lâm sản bị thiệt hại vô cùng nặng nề".

Ngày 20/7/2018, PV báo Thời Đại đã trực tiếp lên gặp bà con nơi đây. Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy" vào được đến nhà văn hóa xóm vô cùng vất vả. Người dân không dám đi dép, mà phải đi chân đất để chở PV vào, vậy mà không duới 3 lần suýt ngã.

Vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm

Trước sự "kêu cứu" của 70 hộ dân, PV liên lạc với ông Lê Viết Xường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh. Ông cho biết: “Đây là tuyến đường dự án dân sinh Hương - Mươi, tổng dự án trên 11 tỷ đồng. Thời gian qua, xảy ra những vấn đề khiến người dân bức xúc, nguy hiểm trong đi lại, trì trệ công việc là do thi công sai thiết kế, mượn đất của gia đình anh C. nên giờ phải trả họ. Địa phương và UBND huyện Nghĩa Đàn đang phối hợp để giải quyết nhưng chưa xong nên đành để đó. Thêm nữa, tôi mới về nhận công tác từ năm 2015 nên nhiều vấn đề chưa nắm được”.

Người dân phải lấy cây chắn trên những hố để cảnh báo mọi người khi đi qua những đoạn nguy hiểm này.

Trước đó, đã nhiều lần bà con xóm Bến Hương phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đều chìm vào im lặng. Điều đặc biệt khó hiểu, tại sao lại có chuyện thi công sai thiết kế cả một dự án trọng điểm đến hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con xóm Bến Hương cho biết, dự án trước đây, không phải thiết kế đi qua đất nhà người không cho mượn này. Nhưng, đơn vị thi công là anh trai ruột của vị này và “tự nhiên” tuyến đường lại qua đây. Vấn đề này có gì “mập mờ"? Chỉ có những người liên quan là nắm rõ nhất.

Nhiều đoạn đường dân sinh bị biến thành ao, thành hào sâu nên người dân phải đắp tạm để qua lại.

Để tìm hiểu bản chất vấn đề, PV đã lắng nghe từng chia sẻ của bà con. Theo đó, ngày 8/7/2018, anh C, người trong 25 hộ hiến đất, giờ không đồng ý hiến đòi lại đã đào rất nhiều hố khoảng (sâu 1.5m, rộng 2m, dài 4m) trên dọc tuyến đường thuộc đất thuộc dự án. Anh C. cho biết: “Đất này là gia đình cho xã Nghĩa Khánh mượn, hôm nay đã hết hạn nên tôi đào để trồng cây".

Cũng phải nói rằng, anh C. chỉ là 1 trong 25 hộ hiến đất cho việc làm đường dân sinh ở Bến Hương thôi. 24 hộ còn lại, hiến rồi, họ không đòi và không có hành động kỳ quái như anh C.

Bà Nguyễn Thị Th., (một hộ dân) bức xúc nói: “Tôi một ngày 4 lần đưa đón cháu đi học, không biết bao lần "xém" rơi xuống hố, mấy năm nay, trong xóm có việc trọng đaị như ma chay, hiếu hỉ là vô cùng khó khăn. Rất nhiều hộ gia đình, hoa màu sản xuất ra, không thể mang tiêu thụ, đành cay đắng cho bò ăn".

Có những xe tải vào thu mua nguyên liệu nông sản cho nhân dân cũng bị lật xe khi qua nơi này.

Trong lúc, mùa thu hoạch sắp đến, nhưng anh C. vẫn đào các hố sâu để bà con không vận chuyển đi lại được. Đây là hành động phi nhân văn với tình làng, nghĩa xóm, giữa con người với con người.

Tại sao lại thi công sai thiết kế? Tại sao lại hiến đất giờ lại là mượn? Tại sao lại dự án không đi qua đất anh C. mà lại cho triển khai qua?

Không thể để những sai phạm của cá nhân hay tập thể, sự buông lỏng quản lý của chính quyền có “chủ đích" mà ảnh huởng tới 70 hộ dân.

Đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn, UBND tỉnh Nghệ An vào cuộc, giải quyết triệt để những sai phạm trên, để bà con nhân dân xóm Bến Hương được hưởng quyền lợi tối thiểu mà họ đáng được hưởng.

Tác giả: Nhóm PVMT

Nguồn tin: thoidai.com.vn

  Từ khóa: đường dân sinh ,khai tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP