Giáo dục

Bức tâm thư của giáo viên hợp đồng sắp thất nghiệp ở Hải Dương

Trước nguy cơ thất nghiệp sau nhiều năm công tác, một giáo viên đã gửi bức tâm thư của mình tới Báo Người Đưa Tin để bày tỏ sự lo lắng của một người muốn tận tâm với nghề.

Mới đây báo Người Đưa Tin nhận được bức tâm thư đến từ một giáo viên hợp đồng (Xin được giấu tên) đang công tác tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chúng tôi xin đăng tải một phần bức thư:

Ảnh minh họa.

Tôi viết những dòng tâm thư này gửi đến quý báo giữa lúc dư luận đang rất nóng vì việc các giáo viên ở Phú Yên bị dừng hợp đồng, giáo viên ở Kim Bảng( Hà Nam) bị cắt hợp đồng hàng loạt sau kì thi tuyển dụng viên chức năm 2017. Và hơn nữa tôi viết trong tâm thế của một giáo viên đã 8 năm tròn đứng trên bục giảng, giờ đây sắp phải ngừng hợp đồng trong tủi hổ, ê chề.

Tôi là một trong số hơn 4.000 giáo viên hợp đồng tại Hải Dương đang chờ đợi quyết định của sở Giáo Dục và Đào tạo Hải Dương cùng Uỷ ban nhân dân Tỉnh cho con đường tương lai phía trước. Bản thân tôi ra trường đã 8 năm và làm việc ở một trường ban đầu là mô hình trường THPT bán công. Năm 2013 trường chúng tôi vui mừng được đón nhận tin chuyển sang mô hình trường công lập. Khi còn là mô hình cũ, tôi đã được sở Giáo Dục và Đào tạo Hải Dương kí quyết định tuyển dụng vào hình thức hợp đồng cơ hữu (còn gọi là hợp đồng không xác định thời hạn).

Năm 2014, sở Giáo Dục Hải Dương có quyết định đặc cách cho các giáo viên đủ thời gian đóng bảo hiểm 48 tháng liên tục vào viên chức. Riêng tôi mặc dù đã kí hợp đồng cơ hữu nhưng do ra trường sau, thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ nên tôi đành chờ đợi một cơ hội khác. Năm 2016, Sở tổ chức kì thi tuyển viên chức trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi tham gia thi cùng tất cả giáo viên trẻ mới ra trường, các giáo viên ở các trường ngoài có nguyện vọng mà trường họ đang giảng dạy không có chỉ tiêu.

Dù công tác lâu năm, dù có thành tích (bản thân tôi đã tham gia kì thi giáo viên giỏi tỉnh môn Ngữ Văn và được công nhận là giáo viên giỏi cấp THPT) nhưng chúng tôi không được bất kì một sự ưu tiên nào dù là nhỏ nhất. Sau kì thi, trường chúng tôi có sự xáo trộn khá nhiều. Những giáo viên trong trường bị thay thế bởi giáo viên bên ngoài, sinh viên mới ra trường.

Chúng tôi có người bị cắt hợp đồng, còn lại hợp đồng theo tiết với số tiền 50.000/ tiết và không được đóng bảo hiểm xã hội. Ngày 29/12/2017, Uỷ ban Nhân dân tỉnh có công văn rà soát, sắp xếp lại toàn bộ cơ cấu trong đó cắt toàn bộ giáo viên hợp đồng vượt số lượng chỉ tiêu tỉnh giao. Nhưng vấn đề đặt ra là theo cơ cấu của Bộ, trường tôi là trường loại 2 gồm 24 lớp. Theo đó cơ cấu các môn sẽ là 61 giáo viên.

Nhưng hiện tại trường tôi có 57 biên chế (gồm cả văn phòng, thủ quỹ, kế toán và ban giám hiệu). Vậy theo tinh thần công văn của tỉnh, số phận chúng tôi nói riêng và hơn 4000 giáo viên hợp đồng trong tỉnh sẽ đi về đâu? Và liệu sau khi cắt rồi có tiến hành tuyển lại vào những năm sau hay không? Sự việc này đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của chúng tôi đặc biệt là vấn đề tâm lí và tinh thần. Mỗi ngày đến trường, cùng với các bài giảng là nỗi lo về tương lai phía trước: Chúng tôi sẽ làm gì, sẽ đi đâu?

Hẳn chúng ta còn nhớ những giọt nước mắt đầy ám ảnh của các giáo viên ở Thanh Hóa khi bị thuyên chuyển xuống bậc mầm non mà không biết bao giờ sẽ được về lại vị trí cũ, cô giáo ở Hải Phòng đã chọn cho mình cái chết khi bị thuyên chuyển công tác… Đằng này, chúng tôi sẽ phải từ bỏ con đường mình đã chọn để tìm một hướng đi mới trong mặc cảm, tủi hổ, ê chề.

Bao nhiêu năm ăn hoc, chừng ấy năm cống hiến, với các thành tích đạt được lại phải dừng lại sau một quyết định của các cấp có thẩm quyền. Mong những người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Hải Dương hãy nhìn lại đến chúng tôi để có những quyết sách thật hợp tình hợp lí tạo điều kiện cho chúng tôi yên tâm công tác, tiếp tục được cống hiên cho nền giáo dục tỉnh nhà.

Được biết, tâm thư cô giáo này bày tỏ nỗi lo không chỉ của mình mà còn của 4.000 giáo viên khác đang có nguy cơ thất nghiệp sau một công văn chỉ đạo của sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương gửi các phòng GD&ĐT về việc "chuẩn bị xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên... trong các cơ sở giáo dục công lập".

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP