Xã hội

Rừng đặc dụng bị xâm hại: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong nhiều năm qua, nhiều diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ do Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý đã và đang bị xâm lấn nghiêm trọng. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy của đồng bào người Mông vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm.

Bản "hồi cư" xâm canh kéo dài đất rừng: Do thiếu đất sản xuất?

Khi nắng chiều chưa khuất hẳn sau những dãy núi, trên con đường mòn độc đạo dẫn về bản Mường Lống, chúng tôi bắt gặp nhiều bà con người dân tộc Mông đi rẫy về. Trên những gương mặt sạm đen vì nắng, sau vẻ mệt mỏi của một ngày lao động mệt nhọc, dường như vẫn ẩn chứa một nỗi buồn nặng trĩu.

Thò Tồng Dê, dù mới sinh năm 1990 nhưng đã có tới 3 mặt con. Người đông, ruộng không có, Tồng Dê theo bà con trong bản sang Nậm Giải đốt rừng làm rẫy. Giờ chưa đến mùa thu hoạch, nhưng nghe tin chính quyền chỉ gia hạn trong 7 ngày nữa phải phá dỡ hết lán trại tạm nơi khu vực xâm canh, Tồng Dê lo lắng lắm. Vì sắp tới, 5 miệng ăn trong gia đình không có gì để sinh sống.

Cũng như Thò Tồng Dê, gia đình Và Chia Của, Thò Giống Mùa... cũng đang lo lắng trước thông tin này.

images1293453 nh 2 11
Thò Tồng Dê buồn bã trước thông tin ngôi nhà sàn này sẽ bị phá dỡ vì nằm trong khu vực vi phạm

Để mục sở thị những cánh rừng bị các hộ xâm canh đốn trọc làm rẫy, dù được cảnh báo quãng đường đi rất gian khổ, vất vả nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vào rừng. Quả thật, không ngoa khi nói đường vào Nậm Giải như chỉ có ở trong phim. Hết qua những dốc núi dựng đứng lởm chởm đá, đường lại ngoằn nghèo, trơn trượt mà nếu tay lái không vững có thể văng cả người cả xe xuống vực sâu bất cứ lúc nào. Lại có những đoạn cua khúc khuỷu liên tiếp khuất tầm nhìn, bởi những hòn đá tảng to tướng, tưởng như đầu gối có thể va côm cốp vào đá nếu người ngồi sau không co vội chân lên. Sau ba tiếng đồng hồ bò ì ạch bằng xe máy, chúng tôi cũng đã lên được tới lưng chừng đỉnh núi trong rừng đặc dụng thuộc địa bàn xã Nậm Giải.

Bỏ lại sau lưng những chiếc xe máy đang bốc khói khét lẹt vì nóng, chúng tôi tiếp tục leo dốc vào rừng. Chỉ sau 30 phút băng rừng, trước mắt chúng tôi đã hiện lên những diện tích rừng đặc dụng bị đốt, phá nham nhở.

images1293454 nh 1 9
Rừng đặc dụng bị người dân chặt trụi để lấy diện tích đất trồng lúa

Bên cạnh màu xanh bát ngát của những cánh rừng tự nhiên là những mảng rừng đã bị chặt hạ, thay vào đó là màu xanh của những chồi lúa rãy chỉ vừa mới lên mầm.
images1293455 nh 2 8
Lúa rẫy vừa nẩy mầm giữa những thân cây gỗ bị đốt cháy nham nhở

Đi vào sâu trong rừng, ngay tại khoảnh 3 tọa độ 104 của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, khu vực giáp ranh giữa hai xã Tri Lễ và Nậm Giải, những mảng rừng vừa mới bị đốt phá còn nguyên những cây gỗ to cháy dở. Nhiều thân cây lớn có đường kính 30- 40cm vẫn còn nằm lăn lóc giữa những đám lúa mới nảy mầm.
images1293456 nh 4 7
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ để làm rẫy
images1293457 nh 2 7
Những cây gỗ có đường kính 30-40cm cháy nham nhở

Do những diện tích rừng bị đốt phá chủ yếu nằm sâu tận trong rừng, trong khi đó, đường giao thông đi lại khó khăn nên rất khó để phát hiện. Bên cạnh đó, dường như chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng không có biện pháp để ngăn chặn ngay từ đầu. Vì vậy, những cánh rừng đặc dụng ở khu vực này vẫn ngày đêm bị đốt, phá liên tục. Hầu hết, bà con đều dựng lán trại kiên cố để phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi. Thậm chí, nhiều hộ đã dựng cả nhà sàn kê cột chắc chắn để ở ổn định lâu dài trong khu vực rừng cấm.
images1293458 nh 3 12
Những ngôi nhà sàn kiên cố mọc lên giữa rừng đặc dụng

Gặp chúng tôi vừa lúc đi rẫy bẻ sắn về, bà Xồng Giống Lào cho biết, gia đình bà ở bản Mường Lống, nhà chỉ có 3 người thôi nhưng nay cả 3 người đều vào ở hẳn đất Nậm Giải hơn hai năm nay để phát rừng làm rẫy, chứ ở ngoài bản thì chỉ có chết đói thôi. Bà lo lắng nói: biết là vi phạm pháp luật vì sang đây phá rừng, nhưng xin cấp trên tạo điều kiện cho ta ở đến hết mùa, vì đã lỡ rồi nên khi thu hoạch xong ta sẽ trở về bản. Chứ bây giờ hoa màu ở bên ni cả, nếu chính quyền phá dỡ thì về cả nhà không có gì mà ăn. Ta biết nhà nước giao hạn 7 ngày phải dỡ lán trại nhưng ta xin thu hoạch xong thì ta sẽ về ngay, chấp hành đúng pháp luật...
images1293459 nh 4 8
Bà Xồng Giống Lào với bế sắn vừa thu hoạch trên rãy xâm canh

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thái Diệu - Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt nhận định: Bên cạnh việc thiếu đất sản xuất, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng chục hộ đồng bào người Mông hồi cư từ Lào về sang xâm canh xâm cư, chặt phá rừng đặc dụng làm nương rẫy là do nhận thức của bà con còn hạn chế. Cùng với đó, do trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn cũng đã dẫn tới việc đồng bào người Mông vi phạm pháp luật bảo vệ rừng...

Qua kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng đã phát hiện có 33 hộ thuộc 2 bản Huồi Xai và Mường Lống của xã Tri Lễ đã sang xâm lấn, phá rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với tổng diện tích hơn 30ha. Trong số 33 hộ này, có 13 hộ đã vào xâm canh gần 10 năm nay tại khu vực rừng thuộc khoảnh 8 tọa độ 104, giáp ranh bản Mờ xã Châu Thôn. Điều đáng ngạc nhiên, đó là các hộ này đã dựng nhà sàn kiên cố ở quây quần như một bản mới trong khu vực rừng đặc dụng. Thế nhưng, số hộ này cũng chỉ mới được cơ quan chức năng phát hiện trong đợt tuyên truyền vừa mới đây.

images1293460 nh 3 9
Các hộ xâm canh dựng nhà kiên cố ở quây quần như một bản mới trong khu vực rừng cấm

Ông Lê Thái Diệu - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết rừng đã bị xâm canh từ lúc ban quản lý chưa thành lập, khi đó, khu vực nói trên thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương. Đến giữa năm 2013, Ban mới được giao quản lý số diện tích này. Theo ông Diệu, để xảy ra tình trạng xâm canh kéo dài trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Do đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên chính quyền xã cũng không thể xử phạt nghiêm, xử lý chưa triệt để vì vậy thiếu tính răn đe, giáo dục và thuyết phục.

Điều đáng nói, trên thực tế, cũng có rất nhiều hộ gia đình vào đây phát rừng làm rẫy mới được hai đến ba năm nay, trong khi Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng đã đi vào hoạt động được 3 năm nay. Cũng có thông tin cho rằng những năm qua chính quyền thôn bản ở xã Nậm Giải đã thu tiền sản xuất của các hộ xâm canh, bình quân mỗi năm 2,5- 3 triệu đồng/hộ. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến diện tích rừng bị xâm lấn không những giảm mà ngày càng có chiều hướng gia tăng?

Rõ ràng, dù trách nhiệm có thuộc về ai, song, chính sự quản lý hời hợt, lỏng lẻo, thiếu quyết liệt khiến những cánh rừng ở đây những năm qua vẫn ngày đêm đang tiếp tục bị chặt phá, xâm hại...

Tác giả bài viết: Hiến Chương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP