Thế giới

4 thuyền viên Indonesia trên tàu Trung Quốc bị ném xác gây phẫn nộ

Cái chết của 4 thuyền viên Indonesia làm việc cho các tàu cá Trung Quốc đã dẫn đến những lời kêu gọi ở Indonesia về việc siết chặt quy định, thậm chí tạm ngừng tuyển dụng lao động.

Moh Abdi Suhufan, điều phối viên quốc gia của tổ chức Destructive Fishinh Watch Indonesia, nói việc tạm ngừng tuyển dụng là cần thiết trong khi Bắc Kinh và Jakarta đang tiến hành điều tra về những gì đã xảy ra trên tàu Long Xing 629, theo South China Morning Post.

Trước đó, các thuyền viên Indonesia trở về từ tàu này cho hay họ đã bị ép làm việc 2 ngày không nghỉ, thiếu thức ăn, bị chửi bới, đánh đập.

Ông Suhufan nói rằng số lượng công dân Indonesia bị ngược đãi như vậy được cho là "nhiều hơn những gì đang được biết đến". Nếu Jakarta tiếp tục cho phép các công ty đánh bắt thủy hải sản Trung Quốc tuyển dụng lao động tại đất nước, "điều đó có nghĩa là chính phủ để cho nhiều nạn nhân rơi vào cái bẫy ngược đãi này hơn nữa".

Thành viên tàu Long Xing 629 chuẩn bị ném xuống biển thi thể một thuyền viên Indonesia, trong ảnh được chụp lại từ video. Ảnh: SCMP.

Sự việc được đưa ra ánh sáng hồi tháng 4 khi các thuyền viên Indonesia trên tàu Long Xing 629 của Trung Quốc được cho lên bờ ở Hàn Quốc sau hơn một năm lênh đênh trên biển. Họ kể rằng họ bị bắt làm việc đến 21 tiếng mỗi ngày và chỉ được ăn cơm với cá mắc lưới chế biến thiếu vệ sinh, cũng như bị bắt uống nước biển lọc còn mặn.

Tổng cộng 3 thuyền viên Indonesia đã qua đời khi tàu này đang ở Thái Bình Dương, 2 người vào tháng 12 và một người vào tháng 3, và thi thể họ bị ném xuống biển, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Indonesia.

Người chỉ huy đội tàu cho biết các thuyền viên phải được an táng trên biển vì họ chết do một bệnh truyền nhiễm, và quá trình này tuân theo các quy định hàng hải quốc tế.

Sau đó, cảnh sát Indonesia cho biết họ đã mở cuộc điều tra về cái chết của một thuyền viên khác trên tàu Lu Qing Yuan Yu 623. Thi thể người này được cho là đã bị ném xuống biên ở ngoài khơi Somalia hồi tháng 1, sau khi bị đánh bằng ống kim loại và chai thủy tinh.

Tổ chức Destructive Fishing Watch Indonesia cũng cho hay họ nhận được báo cáo về việc một thuyền viên Indonesia đã chết trên một tàu mang cờ Pakistan ở Karachi, sau khi được chuyển đến đây từ một tàu mang cờ Trung Quốc giữa lúc người này bị bệnh và bị bỏ rơi.

Khoảng 23.500 người Indonesia đang làm việc trên các tàu cá nước ngoài, theo ước tính của chính phủ. Ông Suhufan cho biết giấy phép để tuyển dụng các lao động như vậy có thể được cấp thông qua 5 kênh khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu giám sát.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP