Giáo dục

Yêu ở tuổi dậy thì: Thay vì chửi mắng, hãy trang bị kiến thức giới tính cho trẻ

Nhiều bà mẹ hoảng hốt khi thấy con 9, 10 tuổi đã yêu. Thậm chí, có bà mẹ cho biết con gái đang học lớp 5 đã công khai có người yêu, thậm chí bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết ông đã từng bắt gặp trẻ 9 tuổi mang thai.

Ảnh minh họa

Nguy hiểm từ việc trẻ yêu sớm

Hiện nay nhiều bà mẹ hoảng hốt khi thấy con 9, 10 tuổi đã yêu. Thậm chí, có bà mẹ cho biết con gái đang học lớp 5 đã công khai có người yêu.

Các bác sĩ cho rằng, độ tuổi trẻ em dậy thì ngày càng sớm hơn, nếu trước đây phải tầm 12-14 tuổi trẻ em mới bắt đầu bước vào dậy thì, thì nay có em dậy thì ngay từ lúc 8 hoặc 9 tuổi. Lúc này, các cháu có những thay đổi nhất định trong cơ thể cũng như các vấn đề về tâm sinh lý.

Trẻ bắt đầu có những tò mò về các bộ phận trên cơ thể, có nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến giới tính. Việc trẻ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới, hay còn gọi là yêu ở tuổi dậy thì giai đoạn này cũng là chuyện hết sức bình thường và tự nhiên.

Thay vì cha mẹ hoảng hốt mắng chửi con, hãy tìm hiểu và sớm trang bị kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ, để chúng sớm hiểu được những nguy hiểm nếu tình yêu đi quá giới hạn.

TS Nguyễn Hữu Trung cho biết, trẻ 12-14 tuổi mang thai hiện nay đã không còn là hiếm, thậm chí ông đã gặp trẻ 9 tuổi mang thai. Trẻ dậy thì sớm và khi bị lạm dụng (xâm hại), hoặc do tò mò yêu và đi quá giới hạn cũng dẫn đến mang thai và gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Theo TS Nguyễn Hữu Trung, việc trẻ yêu sớm và quan hệ tình dục sớm rất nguy hiểm. Bởi nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục lớn. Việc lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi học sinh càng nguy hiểm hơn ở người lớn. TS Trung từng điều trị cho bé trai bị sùi mào gà, lậu, giang mai, vi rút herpes sinh dục... và thấy rõ, trẻ cũng mắc đủ các bệnh tình dục như người lớn.

Hơn nữa, việc mang thai ngoài ý muốn đối với trẻ em rất nguy hiểm, dù là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra. TS Trung cho biết, những bé gái mang thai sớm khiến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bé khó khăn hơn chăm người lớn có thai rất nhiều.

Đáng lưu ý, đa số các bé gái đi khám thai hầu như không nghe bác sĩ. Các cháu không hình dung được việc khám thai quan trọng như thế nào và những dị tật khi mang thai nguy hiểm ra sao ở trẻ sơ sinh - những đứa con do những "bà mẹ trẻ em" sinh ra.

Ví dụ, những đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ đang ở tuổi vị thành niên có tỷ lệ chết trước 1 tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con các mẹ tuổi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ vị thành niên mang thai bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cá nhân, nhiều cháu phải nghỉ học để ở nhà chờ ngày sinh đẻ dẫn tới suy kiệt, rối loạn tâm lý...

Mang thai ở tuổi dậy thì và lời khuyên từ bác sĩ

Tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội, theo kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 2 năm 2017-2018 cho thấy: Tỷ lệ sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên tại bệnh viện này vẫn ở mức cao (chiếm 0,5% số ca đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Cụ thể, có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đến sinh đẻ.

Trong khi đó, tại Mỹ tỷ lệ có thai và bỏ thai ở tuổi vị thành niên rất ít. Còn ở Việt Nam thì trên 90% trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên phải bỏ thai. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2018, tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam vẫn ở mức cao với 250.000 – 300.000 ca mỗi năm; trong đó khoảng 20% số ca phá thai ở tuổi vị thành niên.

TS Trung cho rằng, chúng ta cần quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ sớm hơn so với quan niệm trước đây. Tuy nhiên, TS Trung cũng cho rằng, việc tư vấn kĩ năng cho các cháu mang thai không hề đơn giản.

"Các bé mang thai dù nhỏ nhưng vẫn là bí mật cá nhân và các bé đồng ý bác sĩ mới được nói với cha mẹ các em. Các bé gái khi đó sẽ được tư vấn cùng với cha mẹ mình về việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi nhỏ sẽ nguy hiểm như thế nào, và việc đình chỉ thai nghén hay tiếp tục mang thai là quyền của các bé", TS Trung phân tích.

TS Trung cũng cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta đều đi theo hướng bỏ thai. Khi những em bé mang thai, bác sĩ cần tư vấn cho trẻ và gia đình của các cháu 3 tình huống có thể lựa chọn.

Theo đó,trường hợp vẫn sinh cháu bé ngoài ý muốn và gia đình vẫn nuôi em bé. Mặc dù, việc này sẽ ảnh hưởng đến việc học hành cũng như tương lai của các cháu.

Vẫn sinh em bé và em bé này sẽ được giao cho một tổ chức từ thiện, trung tâm bảo trợ nuôi và hỗ trợ làm thủ tục cho con nuôi theo đúng thủ tục của pháp luật.

Khi hai phương pháp trên đều không khả thi với gia đình, thì cuối cùng mới là giải pháp bỏ thai. Bởi phá thai và những nguy cơ vô sinh do bỏ thai cũng là điều gia đình và các em phải cân nhắc.

Tác giả: Khánh Ngọc

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP