Những lời phê xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội |
Một cuốn sổ liên lạc có điểm số rất cao, với điểm trung bình cả năm là 9,4 được thầy Du phê: “Cô gái hoàn hảo của lớp”. Còn một cuốn khác được thầy phê: “Có sự nỗ lực lớn vượt qua hoàn cảnh gia đình để có kết quả tốt. Lưu ý các lỗi vi phạm nội quy. Đừng để ba buồn”.
Chị Phạm Xuân Hướng, người đã đăng bức ảnh lời phê của thầy Du lên mạng xã hội cho biết: “Lý do tôi đăng hình ảnh này lên mạng xã hội không phải vì nhận ra “cô gái hoàn hảo” là con gái mình, mà là rất bất ngờ vì cách thầy viết lời phê. Tôi rất xúc động bởi sự tâm lý của thầy đối với học trò”.
Theo tìm hiểu thì đây là sổ liên lạc của lớp 11D3, Trường THPT Lê Quý Đôn, do thầy Du chủ nhiệm. Học sinh nhận được lời phê “Cô gái hoàn hảo của lớp” là bạn Như Thủy. Không chỉ có thành tích cao trong lớp, Như Thủy còn là học sinh có điểm số đứng đầu khối 11, với số điểm trung bình là 9,4. Cuốn sổ còn lại là của bạn Minh Hạnh, học sinh đã vượt lên hoàn cảnh gia đình để có kết quả học tập tốt.
Ngoài sổ liên lạc, thầy Du cũng thường xuyên khích lệ, động viên học trò của mình bằng những lời phê rất đặc biệt trong các bài kiểm tra. Trong lần báo điểm đầu tiên, G. có số điểm đứng gần cuối của lớp, thầy Du phê trong bài 3 chữ: “Cố gắng lên”. Sau đó, khi ở lần báo điểm thứ 2, G. đã đạt số điểm trung bình so với cả lớp thì thầy phê “Ráng chút nữa”. Và đến lần thứ 3, khi G. đạt được điểm vào top đầu của lớp thì thầy phê: “Chúc mừng”.
Bạn Như Thủy, “Cô gái hoàn hảo của lớp” chia sẻ: “Khi đọc được những lời thầy viết trong sổ liên lạc, tụi con cảm động và bất ngờ lắm. Tụi con không nghĩ cả lớp có 30 đứa đều được thầy chú ý, quan tâm một cách thầm lặng và sâu sắc như vậy. Mặc dù thầy làm chủ nhiệm lớp, nhưng thầy phụ trách môn Lịch sử. Hằng tuần, ngoài giờ sinh hoạt thì tụi con chỉ có 1 hoặc 2 tiết Lịch sử thôi”.
Thầy giáo Nguyễn Viết Đăng Du |
Chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên chủ nhiệm lớp 11D3, trường THPT Lê Quý Đôn (TP. HCM) để tìm hiểu rõ hơn về bức hình có lời phê này.
Thầy Du cho biết, việc gặp gỡ với mỗi lứa học trò đều là do duyên phận, vì vậy, thầy muốn các học trò của mình gần gũi mình giống như một thành viên của lớp. Thầy muốn cùng nhau chia sẻ, cùng giải quyết mọi vấn đề.
Khi được hỏi đến lời phê trong sổ liên lạc của Minh Hạnh, thầy Du tâm sự: “Khi viết những lời phê này, tôi chỉ nghĩ đến ba của em ấy. Hẳn là ông thấy con gái mình đã cố gắng, và ông sẽ vui khi thầy chủ nhiệm thay ông nhắc nhở đứa con gái yêu của mình”.
Minh Hạnh là con gái út trong gia đình. Lúc còn sống, ba Hạnh luôn hết mực yêu thương em. Vì vậy, sự ra đi của ba là một cú sốc lớn cho cô bé 17 tuổi. Sau khi ba mất, Hạnh thường nghỉ học, đi học trễ, và vi phạm nội quy khác của nhà trường, điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra ở em.
“Tôi chỉ khuyên em Hạnh cố gắng vượt qua nỗi đau, đừng để ba phải buồn. Tôi nghĩ như vậy là đủ, không nên nhắc đến nỗi đau của em quá nhiều. Khi kết quả học kỳ 2 của Hạnh không cao, tôi cũng chỉ nói với em: “Nếu con cố gắng, kết quả sẽ cao hơn”. Cuối năm, thành tích của Hạnh ổn định trở lại. Và đấy là kết quả do em tự cố gắng. Lời phê của tôi chỉ là khen ngợi cho sự nỗ lực của em”, thầy Du cho biết thêm.
Thầy Du được rất nhiều học trò yêu quý |
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, sinh năm 1973, tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Bắt đầu sự nghiệp gõ đầu trẻ từ năm 1995, hiện thầy đang là Tổ trưởng bộ môn Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn (TP. HCM).
“Đã bắt đầu thấm chữ nghiệp, nên dù muốn hay không, thích hay không thì tôi vẫn phải hoàn thành công việc bằng trách nhiệm của bản thân. Tôi yêu tất cả học trò của mình, dù có đứa hư, đứa hiền, cho dù là học trò đã ra trường nhiều năm, hay lứa học sinh năm nay, các em đều sẽ tự cảm nhận được. Điều đó chính là động lực giúp tôi tiếp tục đưa đò”, thầy Du tâm sự.