Pháp luật

Vụ đội trưởng chống buôn lậu liên quan đường dây 200 triệu lít xăng giả: Tầng hầm bí mật dưới căn nhà nuôi yến

Để có thể tiếp cận các đối tượng trong đường dây xăng giả, các trinh sát đã phải đóng giả làm dân câu cá, giăng lưới trên sông Hậu hay làm xe ôm rồi cả gã bợm nhậu say xỉn đi nhầm đường...

Liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả, Cơ quan CSĐT vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Ngô Văn Thụy (57 tuổi), Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan).

Ông Thụy bị khởi tố để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ trong đường dây làm giả xăng do Phan Thanh Hữu (SN 1957, ngụ tại TP.HCM) cầm đầu.

Sau khi các quyết định được phê chuẩn, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Thụy ở TP Hồ Chí Minh và thu giữ một số giấy tờ tài liệu liên quan.

Để triệt phá được đường dây làm xăng giả với số lượng lớn, lực lượng chức năng đã phải nằm vùng nhiều ngày trời ở các tỉnh miền Tây từ Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang...

Tầng hầm bí mật dưới căn nhà nuôi yến

Từ cuối năm 2020, sau khi ghi nhận phản ánh về một số cây xăng có dấu hiệu bán xăng kém chất lượng, Công an Đồng Nai đã vào cuộc điều tra với sự hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an).

Qua thông tin trinh sát xác định được, sào huyện buôn lậu, pha chế vận chuyển xăng giả được các đối tượng đặt tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).

Để tránh cơ quan chức năng, bọn chúng hoạt động ở địa bàn khá vắng vẻ, chỉ có 1 lối vào độc đạo, đường đi khó khăn. Tại khu vực hoạt động, bọn chúng dựng 1 cây xăng, có nhân viên bán nhưng thực tế là cảnh giới bởi khu vực trên hiu quạnh, rất ít người sinh sống.

Ngay phía sau, các đối tượng cho xây 2 căn nhà nuôi chim yến cao, che khuất ụ nổi ven sông. Để xuống được sào huyệt sản xuất xăng giả phải đi qua lối rất nhỏ nằm giữa 2 căn nhà nuôi yến.

"Dưới căn nhà nuôi yến là tầng hầm được bọn chúng dùng để chứa các dung môi, hoá chất pha chế xăng giả", một trinh sát chia sẻ trên Báo Tiền Phong.

Một trong những nhóm đối tượng bị công an bắt giữ (Ảnh: CAND)

Đặc biệt, các đối tượng có sự đề phòng, cảnh giác rất cao, thường xuyên tổ chức thẩm tra, xác minh khi có người lạ đến địa bàn và thuê lưu manh chuyên nghiệp sẵn sàng triệt hạ lực lượng trinh sát khi bị theo dõi.

Chính sự manh động, liều lĩnh và hoạt động kín kẽ của các đối tượng đã khiến các trinh sát rất vất vả trong quá trình tiếp cận mục tiêu, phá được đường dây.

500 cảnh sát phá án, ngăn chặn con tàu 1.500 tấn chuẩn bị bỏ trốn

Để có thể tiếp cận các đối tượng, có những đêm tháng Chạp trời lạnh, các trinh sát đã phải thuê xuồng nhỏ giả làm dân câu cá, giăng lưới trên sông Hậu hay giả làm xe ôm rồi cả gã bợm nhậu say xỉn đi nhầm đường...

Sau nhiều ngày nắm được sơ đồ địa hình sào huyệt và quy luật hoạt động của các đối tượng, đêm 25 Tết (6/2/2021) Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai trên 500 cảnh sát, 14 tổ công tác quyết định phá án.

Tang vật là hơn 100 tỉ đồng tiền mặt và nhiều thùng hồ sơ, chứng tư liên quan. Ảnh: CACC

"Khi ập vào bắt quả tang các đối tượng đang hút xăng giả trên tàu, Đại tá Mai Hoàng cùng một tổ trinh sát tiếp cận đầu tiên, kịp thời ngăn chặn con tàu 1.500 tấn chở đầy xăng chuẩn bị nhổ neo bỏ trốn", một trinh sát trực tiếp tham gia phá án chia sẻ với PV Báo Tiền Phong.

Cùng lúc, lực lượng chức năng cũng khám xét 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TP HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... bắt hàng loạt người liên quan.

Cảnh sát đã thu giữ tang vật gồm: hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ, 12 thùng hồ sơ; 2 tàu biển 2.500 tấn, 5 sà lan 400-1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất...

Thông tin tại buổi họp báo sau chuyên án, Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết các đối tượng sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ ngoài phao số 0, dùng các loại dung môi, hóa chất để pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng.

Sau đó, các đối tượng chia ra các tàu, sà lan có tải trọng nhỏ để vận chuyển xăng về các kho chứa đã được xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành.

Theo cơ quan điều tra, có khoảng 1 triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ "lò" pha chế giữa sông Hậu. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị bắt, nhóm nghi phạm đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít.

Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bắt tạm giam tổng cộng 40 đối tượng trong chuyên án để điều tra về các hành vi "buôn lậu", "sản xuất, buôn bán hàng giả", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", "nhận hối lộ", "đưa hối lộ".

Tác giả: Chang Tổng

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP