Giáo dục

Vụ cô giáo bị hiếp dâm ngay trong trường ở Huế: Giáo viên có phải trực hè?

Trước vụ cô giáo ở Huế bị 1 đối tượng nam thanh niên xông vào trường hiếp dâm, dư luận đặt câu hỏi: Giáo viên có phải trực vào mùa hè khi nhà trường đã có nhân viên bảo vệ?

Như tin đã đưa, vào khoảng gần 9h ngày 20/6, khi cô giáo P.T.N.N (33 tuổi), công tác ở trường THCS Lê Thuyết, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đang ngồi một mình ở phòng trực của trường thì có 1 nam thanh niên bịt mặt, cầm theo một vật nhọn bằng gỗ đi vào.

Trường THCS Lê Thuyết, nơi xảy ra vụ việc.

Tại phòng trực, kẻ bịt mặt lấy 1 con dao Thái Lan ở trên bàn dí vào cổ cô N. để uy hiếp, khống chế và thực hiện hành vi hiếp dâm cô này. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, nghi phạm lấy đi 2 điện thoại di động của nạn nhân.

Sau thời gian ngắn vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định Võ Minh Trung (19 tuổi), trú thôn Hiệp Lại, xã Bình Thành là nghi phạm gây ra vụ hiếp dâm. Chỉ sau 1 giờ đồng hồ xảy ra vụ việc, Trung bị bắt giữ.

Tại thời điểm bị bắt, lực lượng chức năng phát hiện trong người Trung có một gói “cỏ Mỹ” chưa sử dụng.

Sau khi sự việc xảy ra, dư luận tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi tại sao nhà trường đã có bảo vệ vào mùa hè nhưng giáo viên vẫn phải trực?.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với ANTT, một luật sư ở Huế chia sẻ, khoản 1 Điều 70 Luật Giáo dục quy định: “1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”.

Khoản 1 Điều 71 Luật Giáo dục quy định: "1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục”.

Như vậy, nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy theo chương trình học.

Điều 5 Quy định về Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định:

"Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);


b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”

Như vậy, theo hệ thống pháp luật giáo dục hiện hành, nhà giáo không có nhiệm vụ trực trường để bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên, từng trường hợp cụ thể, nhà trường có thể điều động giáo viên làm thêm giờ trong các trường hợp bất theo quy định của Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2012: "Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa".

Về quyền của nhà giáo trong trường hợp điều động làm thêm giờ, Điều 12 Luật Viên chức 2010 quy định:

"Điều 12. Quyền của viên chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương.

2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập".

Tác giả: Kỳ Anh

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP