Ngày 7-8, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" xảy ra với học sinh L.H.L (học sinh lớp 1 Trường Gateway, tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón) và triệu tập nhiều người liên quan để điều tra. Sáng cùng ngày, UBND quận Cầu Giấy tổ chức họp báo thông tin vụ việc.
Chết trước khi vào viện
Ông Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, cho biết trong những người bị triệu tập có Doãn Quý Phiến (lái xe Trường Gateway) và Nguyễn Bích Quy (nhân viên đưa đón học sinh của trường).
Quy trình đưa đón, quản lý học sinh ở Trường Gateway còn lỏng lẻo Ảnh: NGÔ NHUNG |
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Phiến khai sáng 6-8, ông lái xe Ford Transit biển số 29B-069.56 cùng bà Quy đón L. tại tòa nhà Trung Yên Plaza (số 1 Trung Hòa, quận Cầu Giấy) và đưa đến trường cùng 12 học sinh khác. Đến 7 giờ 25 phút cùng ngày, khi bà Quy đưa các bé vào trường qua cổng phụ, ông Phiến đưa xe về bãi gửi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cách trường 1,1 km. Bãi gửi xe nằm cách biệt, khá vắng vẻ. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, ông Phiến đến lấy xe, lái tới trường đón các học sinh để đưa về nhà.
Trong khi đó, bà Quy khai buổi chiều, khi mở cửa xe thì phát hiện L. bất tỉnh dưới sàn sau ghế lái. Cơ quan chức năng xác định bé trai đã chết trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Đại diện Công an quận Cầu Giấy cho hay Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân cháu L. tử vong. Sau khi thu thập đủ tài liệu, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để xử lý.
Theo gia đình, khi đi học, cháu L. mặc áo đỏ nhưng hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy bé trai khi được đưa khỏi ôtô lại mặc áo trắng. Ngoài ra còn có thông tin cho rằng L. bị tổn thương bên ngoài, khi vào viện còn phát hiện giấy thấm máu nên gia đình nghi ngờ nhà trường đã thay áo để xóa dấu vết nguyên nhân thực sự khiến bé tử vong.
Để làm rõ nghi vấn này, phóng viên đề nghị được cung cấp thông tin về kết quả khám nghiệm tử thi, tuy nhiên ông Hóa từ chối trả lời và cho biết mỗi vụ án đều có quy trình làm việc và thời hạn nhất định. "Khi nào có kết quả cuối cùng, chúng tôi sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí" - ông Hóa nói.
Tắc trách khó chấp nhận!
Ngày 5-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi các sở GD-ĐT yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng ôtô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín; xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn; lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Dù vậy, đến ngày 6-8, sự việc đau lòng đã xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 7-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng sự tắc trách của Trường Gateway trong việc bỏ quên học sinh trên xe dẫn đến tử vong là điều không chấp nhận được. Bà Nghĩa yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hà Nội thăm hỏi, hỗ trợ gia đình học sinh bị nạn; phối hợp cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc; đồng thời tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh khi đến trường.
Một lãnh đạo Phòng Vận tải Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết qua tra soát trên hệ thống dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe 16 chỗ biển số 29B-069.56 thuộc sở hữu của ông Doãn Quý Phiến, còn thời hạn đăng kiểm. Tuy nhiên, kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy chiếc xe trên chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh.
Năm học 2019 - 2020, 17 trường trên địa bàn TP Hà Nội có xe đưa đón học sinh với 629 chiếc. Trong danh sách 17 trường không có Trường Gateway.
Mác quốc tế nhưng quản lý lỏng lẻo
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, khẳng định trong tên của Trường Gateway không có chữ "quốc tế". "Trong quyết định thành lập của trường không có chữ "quốc tế" - ông Ngọc Anh nói và khẳng định theo quy định hiện hành, không có tên gọi là trường quốc tế mà chỉ có những trường mang yếu tố nước ngoài. Các trường ngoài công lập tự đặt thêm chữ "quốc tế" để thu hút học sinh.
Về quy trình đưa đón học sinh, ông Ngọc Anh cho hay quận chỉ quy định chung, mỗi trường sẽ có cách thức, quy định riêng. Trên nguyên tắc, mỗi khi học sinh vắng mặt, nhà trường phải thông báo với phụ huynh. Có trường gọi điện thoại, nhắn tin nhưng với Trường Gateway thì có lẽ do phần mềm mới đưa vào hoạt động nên không thông tin kịp thời đến phụ huynh. Trách nhiệm thuộc về cô chủ nhiệm và người đưa đón học sinh. "Phòng đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát xe vận chuyển học sinh, bảo đảm có sự bàn giao giữa giáo viên chủ nhiệm với người đưa đón. Đây là vụ việc đau lòng, người lớn đã gây tai nạn cho cháu bé" - ông Ngọc Anh nhận định.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí sáng 7-8, ông Trương Tất Thành, Hội trưởng Phụ huynh lớp 1 Tokyo - lớp L. đang theo học của Trường Gateway, cho hay mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình học sinh rất lỏng lẻo. Trường quy định phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm có số điện thoại của nhau. Mọi trao đổi của phụ huynh với nhà trường và ở chiều ngược lại đều thông qua giáo vụ. Trường cũng quy định phụ huynh sử dụng phần mềm của trường để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Vì quy định cứng nhắc như vậy nên việc cháu L. vắng mặt không được thông báo kịp thời, dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra Ngày 7-8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong trên ôtô đưa đón của Trường Gateway. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự. |
Hãy dạy trẻ mở cửa ôtô từ bên trong! Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngạt thở và sốc nhiệt là 2 nguyên nhân chính khiến con người tử vong khi ở trong ôtô đóng kín và không mở máy lạnh, nhất là xe đậu giữa trời nắng. Trong trường hợp trên, theo bác sĩ Chính, ôtô là khoang kín, không có dưỡng khí, khi trẻ hốt hoảng, la hét, thở nhanh thì dưỡng khí trong khoang càng nhanh hết và ngạt là điều tất yếu. "Ngay cả khi ngủ trong ôtô đóng kín, bật điều hòa cũng dễ bị ngạt khí, bởi khi xe đóng kín cửa nổ máy, mức ôxy bên trong xe giảm, khí carbon monoxide do rò rỉ khí thải tăng lên. Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn nên người bị ngạt không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không được báo trước. Đến khi bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê, lịm dần và tử vong" - bác sĩ Chính phân tích. Cũng theo bác sĩ Chính, ngay cả khi ngồi trong ôtô đóng kín mà để xe dưới bóng râm cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt. Nhiệt độ trong xe khi đóng kín sẽ cao gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt khi xe không nổ máy. Với cơ thể người, khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt, đến 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan dẫn đến đột quỵ và tử vong. Còn theo kỹ sư Lê Văn Tạch, việc để quên trẻ trên ôtô là vô cùng nguy hiểm, nếu không dẫn đến ngạt khí, tử vong thì cũng khiến trẻ hoảng loạn. Do vậy, người lớn cần dạy trẻ những kỹ năng cần thiết khi bị bỏ trong ôtô đã tắt máy. "Về nguyên lý, mọi ôtô khi khóa cửa bên ngoài thì người bên trong đều có thể mở cửa được. Người lớn chỉ dạy những thao tác mở cửa thành thục cho trẻ nhỏ để các em biết cách xử lý khi chẳng may bị bỏ quên trên xe" - kỹ sư Tạch khuyến cáo. N.Dung - Ng.Hưởng |
Tác giả: YẾN ANH - HUY THANH
Nguồn tin: Báo Người Lao Động