Pháp luật

Vì sao tòa xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung?

Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, phiên sơ thẩm xét xử kín đối với cựu Chủ tịch UBND Hà Nội và 3 bị cáo, nhưng phần tuyên án sẽ được công khai.

Chiều 30/11, trao đổi với Zing, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa hình sự thuộc TAND Hà Nội, chủ tọa phiên sơ thẩm vụ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước) cho hay phiên tòa xét xử kín ông Nguyễn Đức Chung cùng 3 bị cáo khác sẽ diễn ra từ ngày 11/12 tại trụ sở cơ quan này.

"Phiên tòa xử kín theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, nhưng phần tuyên án sẽ được diễn ra công khai", ông Toàn nói.

Chủ tọa phiên xử ông Nguyễn Đức Chung cũng cho biết các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký thủ tục theo quy định, sẽ được tham dự khi tòa công bố bản án.

Thẩm phán Trương Việt Toàn là chủ tọa phiên xét xử ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: N.H.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), xét xử kín áp dụng trong những trường hợp đặc biệt, cần đảm bảo bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội nhưng tuyên án công khai.

Luật sư lý giải trong phiên tòa xử kín, ngoài HĐXX và đại diện VKSND cùng thư ký tòa, thành phần được tham dự còn có những người tham gia tố tụng được mời hay triệu tập.

Ngoài ra, không ai được ở lại phòng xét xử để dự thính, theo dõi diễn biến phiên tòa trong thời gian xét xử kín mà chỉ có thể trở lại để nghe tuyên án công khai (nếu là xét xử kín toàn bộ vụ án), hoặc được trở lại phòng xét xử sau khi kết thúc phần xét xử kín của vụ án để tiếp tục dự thính.

Ông Tú cho biết thêm theo Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngoài yêu cầu giữ bí mật Nhà nước, tòa cũng xử kín trong trường hợp cần đảm bảo thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

Ông Chung bị cáo buộc chủ mưu vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà.

Cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Đức Chung theo khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt 10-15 năm tù.

Cùng hầu tòa còn có Nguyễn Anh Ngọc (công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc UBND Hà Nội), Nguyễn Hoàng Trung (chuyên viên Phòng Thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND Hà Nội, lái xe của ông Nguyễn Đức Chung) và Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ của Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an).

Theo cáo buộc, để nắm thông tin, tài liệu về quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, ông Chung đã thông qua người trung gian, làm quen với Phạm Quang Dũng (người được trưng dụng tham gia hỗ trợ điều tra vụ án này).

Giữa tháng 6/2019, sau khi ông Chung đặt vấn đề, bị can Dũng đồng ý thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về kết quả điều tra vụ Nhật Cường cho ông Chung. Dịp Tết Nguyên đán 2020, thông qua tài xế Nguyễn Hoàng Trung, ông Dũng nhận của bị can Nguyễn Đức Chung phong bì bên trong có 10.000 USD.

Sau đó, từ đầu tháng 8/2019 đến đầu tháng 3/2020, Dũng nhiều lần lẻn vào phòng làm việc riêng của chỉ huy, dùng điện thoại chụp trộm nhiều tài liệu điều tra để tuồn cho ông Nguyễn Đức Chung.

Cáo trạng xác định Phạm Quang Dũng có 2 lần chuyển 6 tài liệu mật cho cựu Chủ tịch Hà Nội. Các bị can Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc cùng tham gia một lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP