Ngày 28/7, Bộ GD&ĐT đã đưa ra ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường Đại học. Theo đó, điểm sàn xét tuyển đại học năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D.
Điểm sàn là mức điểm quy định mà Bộ GD&ĐT công bố dành cho từng khối và từng bậc đào tạo. Các trường không được tuyển thí sinh vào học mà có tổng điểm thấp hơn điểm sàn của Bộ.
Điểm sàn là mức điểm quy định mà Bộ GD&ĐT công bố dành cho từng khối và từng bậc đào tạo. Các trường không được tuyển thí sinh vào học mà có tổng điểm thấp hơn điểm sàn của Bộ.
Như vậy, phải đạt mức điểm bằng sàn trở lên, học sinh mới có cơ hội xét tuyển vào một trường Đại học nào đó.
Vẫn còn cơ hội cho thí sinh dưới 15 điểm (Ảnh: Thùy Linh)
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng gần 200.000 thí sinh có kết quả thi dưới 15 điểm, không đủ điều kiện xét tuyển vào các trường Đại học năm 2016.
Hiện nay, tâm lý bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người đến nỗi chúng ta cứ nghĩ rằng có bằng cấp càng cao càng có cơ hội tìm được việc làm tốt và có thu nhập cao.
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề chọn trường, chọn ngành đối với các thí sinh dưới 15 điểm.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho biết: “Nếu thí sinh không đạt 15 điểm/3 môn thì chứng tỏ năng lực, học vấn của bản thân còn hạn chế hoặc do một số lý do chủ quan khác nhưng không có nghĩa là các em hết cơ hội vào Đại học.
Bởi lẽ, hiện có rất nhiều ngành đào tạo chỉ xét tuyển học bạ cho nên thí sinh cần bình tĩnh nghiên cứu và dựa vào sở thích của bản thân để lựa chọn cho phù hợp”.
Hơn nữa, theo quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm nay, thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển phải tốt nghiệp THPT, đủ sức khỏe, trong độ tuổi quy định (với ngành đặc thù), đạt điều kiện sơ tuyển (ngành đặc thù) và trong vùng tuyển theo quy định của trường.
Và điểm mới của quy chế tuyển sinh năm nay còn ở ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu. Nếu năm ngoái, thí sinh cần đạt 5,5 điểm ở từng môn thi (hoặc môn học xét theo học bạ) mới đủ điều kiện tối thiểu vào bậc Cao đẳng; thì năm nay ngưỡng này chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Mà Luật Giáo dục nghề nghiệp thống nhất việc hợp nhất đào tạo cao đẳng và cao đẳng nghề.
Như vậy, theo quy định mới trong xét tuyển vào các trường cao đẳng, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể được nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường cao đẳng nghề hoặc cao đẳng khác.
Chính vì điều này, TS.Đặng Văn Định - Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) khuyên thí sinh:
“Gần 200.000 thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn không cần quá lo lắng vì với số điểm của mình mà thí sinh đã đủ điểm tốt nghiệp THPT thì hoàn toàn có thể xét tuyển vào các trường Cao đẳng. Sau đó, muốn nâng cao trình độ chúng ta có thể học tiếp.
Bởi nếu năng lực có hạn mà các em cứ cố bằng được vào Đại học thì dù có trúng tuyển các em cũng khó theo được chương trình học”.
Tác giả bài viết: Thùy Linh