Giải trí

Tung clip đánh ghen, giảng viên Âu Hà My văn minh hay vi phạm pháp luật?

Sự việc của giảng viên hot girl Âu Hà My tung clip đánh ghen tự nhận là "văn minh" đang gây xôn xao mạng xã hội. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, việc này không những không văn minh mà còn phạm luật.

Mấy ngày qua trên mạng xã hội xôn xao vụ đánh ghen của Âu Hà My, nữ giảng viên tiếng Pháp của một trưởng đại học có tiếng tại Hà Nội. Là giảng viên nhưng Âu Hà My lại nổi tiếng trên mạng xã hội với các màn khoe đường cong bốc lửa, uốn éo trong phòng tập gym và cuộc sống sang chảnh.

Âu Hà My và chồng - Nguyễn Trọng Hưng. Ảnh: Soha.vn

Clip đánh ghen được tung trên trang Facebook cá nhân của nữ giảng viên sexy, sành điệu này có độ dài 13 phút và nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội, thậm chí cả trên báo chí chính thống. Clip đánh ghen không có các màn “giật tóc, móc mắt”, “lột đồ” như thường thấy mà chủ yếu là những lời truy vấn tự nhận là “văn minh” của Âu Hà My với chồng và tình địch.

Đa phần các ý kiến đều ủng hộ và bày tỏ thương cảm với nữ giảng viên. Song bên cạnh đó, cũng có những phân tích và bày tỏ thương cảm dành cho người chồng - diễn viên, doanh nhân Trọng Hưng.

Clip, hình ảnh được giảng viên Âu Hà My tung lên Facebook (ảnh laodong.vn)

Vụ “đánh ghen” gây xôn xao của Âu Hà My, cũng thu hút nhiều phản ứng của những nhân vật của làng giải trí. Bên cạnh việc ca ngợi ứng xử của cô giảng viên, chê trách anh chồng phụ bạc, cô nhân tình giật chồng người khác ngay cả khi Âu Hà My vừa bị sẩy thai.

Tuy nhiên, nhiều "người của công chúng" bức xúc quá đà, đưa ra bình luận, quy chụp, chê bai thậm tệ nhan sắc của những người cùng giới. Người mẫu Hồng Quế viết: "Sau đêm hôm qua, em tin rằng: "Đừng bao giờ coi nhẹ mấy con mặt xấu”. Ha..ha gu của các anh bây giờ lạ quá à ha".

Ngoài chuyện tình cảm nội bộ của cô nàng giảng viên Âu Hà My/Trọng Hưng và những lời đàm tiếu, vấn đề rất quan trọng cần xem xét là tính pháp lý của vấn đề, nhất là các quy định về bảo vệ đời sống riêng tư và các quy định sử dụng mạng xã hội.

Cụ thể, khoản 1 Điều 38 Bộ Luật dân 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Khi một chủ thể bị xâm phạm về bí mật đời tư họ có quyền khởi kiện yêu cầu người vi phạm khắc phục và bồi thường. “Như vậy, trong trường hợp cô giảng viên Âu Hà My công khai các vấn đề liên quan đến đời tư cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó hoặc chưa có bản án, quyết định của tòa án, cơ quan có thẩm quyền đều vi phạm có thể bị xử lý hành chính, bị khởi kiện dân sự, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - Luật sư Nguyên nói.

Trong clip được tài khoản Facebook của Âu Hà My tung ra, dù đa phần các cảnh quay có khuôn mặt cô tình địch (còn gọi là con giáp số 13, tiểu tam…) được làm mờ. Tuy nhiên, cảnh quay cận nhất khuôn mặt cô tình địch không được làm mờ. Cùng thông tin về tên tuổi, chỗ ở của của cô này được công khai khiến cho các thông tin cá nhân bị lộ, bêu xấu, thậm chí được tận dụng để bán hàng trên mạng xã hội những ngày qua.

Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) nêu các hình thức xử phạt với Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân. Cụ thể:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Tác giả: Ngọc Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP