Má chồng tôi tính vốn rộng rãi. Đám giỗ phải làm cho đủ đầy. Má nói, một năm đám giỗ có một lần, phải chuẩn bị cho chu đáo, trước là cúng ông bà, sau là con cháu hưởng, được một bữa sum vầy gia đình, vui không gì bằng. Vậy mà má chồng tôi lúc nào cũng bị đám con cháu phê phán là keo kiệt. Trên mâm cơm cúng má bao giờ cũng phải có chén mắm chưng. Đó là món yêu thích của má. Theo suy nghĩ của con cháu là chẳng phải má thích món này đâu. Chẳng qua món này rất mặn, má hay mua ăn cho đỡ tốn tiền.
Má mà kho thịt, kho cá thì ôi thôi, giống như là kho quẹt, má nói cho đỡ hao. Nghĩ coi, nhà bảy miệng ăn, má không làm như vậy sao nuôi được bầy con lớn như bây giờ. Rồi thằng em kể, hồi đó khổ lắm, có đồ ăn đâu, vậy mà nấu nồi cơm bự cũng hết. Đứa nhỏ đứa lớn tranh nhau ăn. Đứa nào bệnh mới được má mua cho tô nước xúp của bà bán hủ tíu về chan vô cơm.
Rồi những đứa con lần lượt lớn lên, má lại lo dựng vợ gả chồng. Con má sanh năm một nên tụi nó cũng đòi cưới vợ liền nhau. Má lo muốn bở hơi tai. Một bầy con của má, chỉ có chồng tôi là được học hành đến nơi đến chốn rồi được vào làm cơ quan nhà nước. Mỗi năm, cơ quan cho đi du lịch một lần. Mỗi người được đưa theo vợ hoặc chồng. Ngày chưa cưới vợ, anh ấy thường đưa suất đó cho má đi.
Nhưng má lại thương ba, nhường cho ba đi. Má hay nói kiểu, không thích đi tắm biển, đi Đà Lạt xa lắm, say xe thấy mồ, đi Đà Nẵng nắng lắm… Sau này, chồng tôi hay nói tại má thấy ba cực khổ nên muốn cho ba đi cho biết đó biết đây. Tôi hỏi sao anh không đăng ký thêm một suất nữa cho má. Anh nói vậy thì tốn tiền, má xót của đi cũng không thấy vui, đã nói má tiết kiệm mà.
Mà má tiết kiệm thiệt. Đến cái thời nhà nhà uống nước đóng bình thì má vẫn còn hì hụi nấu nước uống. Má không dùng bình điện mặc dù nhà có. Má sợ tốn tiền điện. Má kêu ba đi rẫy chở củi về. Nhà có bếp gas nhưng bên chái nhà có thêm bếp củi để má nấu nước uống, tiện thể hầm xương, có khi má nấu ăn trên bếp củi đó.
Má khỏe mạnh, vui vẻ lắm. Vậy mà đùng một cái, năm đó giỗ ông nội, má đi chợ về, tay xách nách mang, nghe mệt. Ban đầu, má tưởng vì mấy ngày bận rộn lo đám giỗ, nhưng cả tuần sau má vẫn thấy mệt nhoài, khó thở. Lúc đó con cháu mới nghĩ hay cái bướu cổ của má giờ to quá, chẹn đường thở nên mới đưa má đi bệnh viện. Nhiêu khê lắm, đi mấy bệnh viện huyện, tỉnh chẳng phát hiện được bệnh gì.
Cuối cùng, chồng tôi đưa má lên thành phố thì bất ngờ phát hiện má bị ung thư giai đoạn cuối, chỉ còn kéo dài sự sống được vài tháng nữa thôi. Cả nhà không cho má biết. Mặc dù bệnh viện trả má về nhưng con cháu trong nhà không cam tâm nhìn má đau đớn. Hễ nghe ở đâu trị hết bệnh ung thư là đưa má đi.
Má đau đớn, không ăn được gì, người rút lại như một đứa trẻ. Những ngày cuối cùng, má linh cảm về một chuyến ra đi. Má gọi hết con cháu đến. Má kêu ba vào phòng ngủ, ở trong cái tủ đồ, má có để một bịch đồ cũ, lấy ra cho má. Má mở ra trước sự chứng kiến của mọi người. Đó là hai cây vàng, má giấu trong bịch vải vụn. Má chia cho bảy đứa con, mỗi đứa được hai chỉ. Má dặn, đây không phải vàng cho con, mà má cho cháu, khi nào tụi nó lấy vợ lấy chồng thì con má thay mặt má mà cho. Sáu chỉ còn lại dành cho ba dưỡng già. Toàn bộ nữ trang, má chia đều cho con gái và con dâu.
Má ra đi nhẹ nhàng. Sau một giấc ngủ trưa, mọi người mới biết là mãi mãi không còn được gặp má nữa.
Mỗi năm đến ngày giỗ má, anh chị em tụ tập lại hay kể về má. Ai cũng nhắc má có tánh hay rầy la. Nhờ vậy mà một bầy con bầy cháu đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép. Lại có người phê phán nói má keo kiệt quá. Chồng tôi phản bác, má tiết kiệm để cho ai? Không ai trả lời nhưng tất cả đều biết.
Tác giả bài viết: Phúc Nguyễn
Nguồn tin: