Cảm giác đầu tiên khi đọc cuốn “Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái” là sự nữ tính. Vì sao nói như vậy? Vì gọi là sách du lịch, được viết bởi một cây bút đã từng đi du lịch khá nhiều nơi (Nguyễn Kim Ngân từng đặt chân đến 30 quốc gia, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thụy Điển), nhưng sách có đầy đủ những cảm nhận của một cô gái về những nơi mà cô có dịp đặt chân đến và xen lẫn vào đó là sự rung động, câu chuyện về tình yêu tác giả đan cài trong cuốn sách.
Những thành phố của xúc cảm
Điểm khác biệt so với các cuốn sách du ký khác, đó là Nguyễn Kim Ngân không cố ý sắp xếp các địa danh theo thời gian hay địa lý như một số cuốn nhật ký hành trình mà cô nhặt ra những điểm ấn tượng nhất của mỗi địa danh, mỗi thành phố để gán cho nó một chỉ dấu cảm xúc của mình. Chẳng hạn như “Bali giấu khéo một người tình”, “Berlin - yêu vội vàng những sân ga”, “Helsinki bước ra rạng rỡ” hay “Mang dại khờ đến Amsterdam”…
Nếu người yêu khám phá trải nghiệm về văn hóa thì có thể tìm thấy những thông tin thú vị trong cuốn sách, như Hamburg - thành phố lớn thứ hai của nước Đức hóa ra lại nổi tiếng với những quán trà độc đáo; người Thụy Điển có cả một văn hóa trò chuyện mang tên “fika” hay Marimekko - họa tiết trang trí nổi tiếng của Phần Lan đã trở thành biểu tượng của đất nước này với thế giới và là thứ không thể thiếu trên các món đồ của các thiếu nữ.
Bước chân đến mỗi vùng đất, cô gái sinh năm 1987 cũng dành cho người đọc một sự hình dung về những người mà cô đã gặp, nào người Thụy Điển tưởng như lạnh lùng nhưng ấm áp, tốt bụng, người Thái sôi nổi, nhiệt thành, hay người Đức có phần khô khan, máy móc…
Bớt ảo tưởng về kỳ nghỉ trong mơ
Một trong những chương thú vị nhất ở cuốn sách này đó là về chuyện làm thế nào để… sống sót ở sân bay. Với những người đi “du lịch bụi” thường xuyên thì vì một lý do nào đó như chuyến bay bị hoãn hay vì muốn tiết kiệm tiền thì việc ngủ hay “bị” ngủ ở sân bay là chuyện không hiếm gặp.
Nguyễn Kim Ngân đã từng là người trong cuộc của một lô những chuyện dở khóc dở cười như làm thế nào để tranh giành chỗ ngủ tốt ở sân bay, chuyện ngủ trên va li để giữ hành lý khỏi bị trộm hay chỉ vì tranh ổ cắm điện lại có thể dẫn đến những xô xát giữa những con người không cùng màu da, quốc tịch. Trong cuốn sách, người đọc cũng tìm thấy được những mẹo nhỏ du lịch dành cho nữ giới kiểu như làm thế nào để hành lý đơn giản, gọn nhẹ nhất, nên và không nên mua gì ở những thành phố đắt đỏ, hay làm thế nào để chọn những đôi giày phù hợp - thứ mà bất cứ ai đi nhiều cũng phải lưu tâm, vì rất có thể nó sẽ quyết định đến sự thành bại của cả chuyến đi.
Những mẩu chuyện lãng mạn nhưng cũng rất thực tế của Nguyễn Kim Ngân khiến người đọc bớt ảo tưởng “màu hồng” về những hành trình đáng ngưỡng mộ được báo chí tung hô đầy rẫy trên mạng. Rằng để đi xa, mỗi người phải bỏ vào hành lý cho mình, không phải rất nhiều sự háo hức, say mê mà còn cả những kỹ năng sống, kỹ năng đối phó với những rủi ro, những sự cố có thể gặp phải trên đường.
Và đối với phái yếu, họ lên đường không phải với một cái đầu nhẹ bẫng mà còn mang theo rất nhiều xúc cảm. Như tác giả nói, “Trên con đường phiêu lưu, phụ nữ vẫn là phụ nữ”, bởi dù vi vu trên những nẻo đường, cầm máy ảnh kiên cường giữa sa mạc cát thì cũng có lúc chúng ta không thể vơi đi nỗi nhớ nhà ngày Tết, sự ấm áp trong căn bếp mùa đông và vô số những lấn cấn nhỏ nhặt. Vì thế, phụ nữ nói là đi, nhưng không bao giờ đi du lịch một mình, vì đồng hành cùng họ còn có những điều rất phụ nữ như thế.
Tác giả bài viết: Mai Anh
Nguồn tin: