Kinh tế

Thua lỗ nghìn tỷ, cổ đông lớn nhất của VNG (VNZ) chuẩn bị ‘xả’ gần 3,5 triệu cổ phiếu ra thị trường

VNG Limited, cổ đông lớn đang sở hữu tới 61,12% cổ phần tại CTCP VNG (VNZ) chuẩn bị bán ra gần 3,5 triệu cổ phiếu VNZ.

Cổ đông chi phối 'xả' gần 3,5 triệu cổ phiếu của CTCP VNG (VNZ)

Mã cổ phiếu VNZ của CTCP VNG từng gây sự chú ý với giới đầu tư khi tăng phi mã gấp nhiều lần, chạm đỉnh với giá 1,35 triệu đồng/cổ phiếu và trở thành mã chứng khoán đắt giá nhất trong lịch sử của Việt Nam.

Hiện tại, mã VNZ đã có sự 'bình ổn' trở lại. Trong phiên giao dịch ngày 22/7/2023, mã VNZ đang có giá 736.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch cũng chỉ quanh ngưỡng vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất của CTCP VNG mới đây đã đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu VNZ để giảm tỷ lệ sở hữu.

Cổ đông chi phối VNG (VNZ) sắp ‘xả’ gần 3,5 triệu cổ phiếu ra thị trường (Ảnh TL)

Cụ thể, VNG Limited, pháp nhân đang sở hữu tới 61,12% cổ phần tại CTCP VNG đã đăng ký bán 3.483.048 cổ phiếu VNZ. Giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 25/7/2023 đến ngày 15/8/2023.

Nếu giao dịch được thực hiện thành công, dự kiến VNG Limited sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 61,12% về mức 49%. Với tỷ lệ sở hữu dưới 51%, VNG sẽ không còn là công ty con của VNG Limited nữa, mối quan hệ này sẽ chuyển thành dạng công ty liên kết.

Sau khi chạm đỉnh với mức giá tới 1,35 triệu đồng/cổ phiếu vào ngày 15/2/2023, giá cổ phiếu VNZ đã liên tiếp giảm sâu, tới phiên giao dịch ngày 22/7/2023 chỉ còn giao dịch quanh ngưỡng 736.600 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng giao dịch chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên, lượng lớn cổ phiếu mã VNZ sắp được VNG Limited 'xả' ra thị trường sẽ có thể tác động khiến mã này giảm giá mạnh hơn trước.

Thua lỗ nghìn tỷ trong năm 2022, VNG đang phải lên kế hoạch giảm lỗ

Trong văn bản điều chỉnh của ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT VNG đã phải thay đổi lại mục tiêu kinh doanh cho năm 2023 với mục tiêu doanh thu chỉ còn 9.281 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu tăng tới 19% so với thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của công ty chỉ là giảm lỗ cho công ty mẹ từ 1.077 tỷ xuống chỉ còn 378 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của công ty cũng dự kiến không chia cổ tức năm 2022 để giữ nguồn tiền mặt đầu tư cho các hoạt động kinh doanh khác bao gồm phát triển ví điện tử, cổng thanh toán, bản quyền trò chơi điện tử, phát triển AI...

Cuối cùng, HĐQT cũng đã trình cổ đông về việc thay đổi phương án xử lý với 7,1 triệu cổ phiếu quỹ. Trong đó, HĐQT trình cổ đông dừng phương án bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV.

Về tình hình kinh doanh của VNG, trong năm 2022, công ty đạt doanh thu 7.801 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà VNG phải ghi nhận khoản lỗ hợp nhất khổng lồ lên tới 1.534 tỷ đồng. Khoản lỗ này cao gấp 21,3 lần so với năm trước đó.

Bước sang năm 2023, mặc dù VNG dự kiến doanh thu tăng trưởng nhưng công ty cũng chỉ dám đặt mục tiêu giảm lỗ tại công ty mẹ xuống còn 378 tỷ đồng, lỗ hợp nhất còn 572 tỷ đồng.

Thực tế thực hiện ngay trong quý 1, VNG ghi nhận doanh thu 1.852 tỷ đồng, lỗ sau thuế ở mức 90 tỷ đồng. Về cơ bản thì có thể thấy kết quả kinh doanh quý 1 của VNG đã "thua lỗ dưới mức dự tính" ban đầu.

Về cơ cấu tài sản, tính đến hết quý 1 năm 2023, tổng tài sản của VNZ giảm từ 9.092,1 tỷ đồng xuống còn 8.975,7 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu giảm từ 5.333,7 tỷ đồng xuống còn 5.022 tỷ đồng, nợ phải trả tăng từ 3.758,4 tỷ đồng lên mức 3.953,7 tỷ đồng.

Tác giả: Du Uyên

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP