Phiên tòa xét xử 2 bị cáo Hạnh và Vương. |
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2021, thông qua mối quan hệ quen biết, Hạnh vay tiền của bà Huỳnh Thị Bé (1976) và bà Huỳnh Thị Tuyến (1967, cùng trú TP Tam Kỳ) để đáo hạn ngân hàng. Thời gian đầu, Hạnh trả lãi và gốc đầy đủ nên được các cá nhân tin tưởng cho vay tiền tiếp. Lợi dụng lòng tin của bà Bé và bà Tuyến, Hạnh nảy sinh ý định vay số tiền lớn để trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân. Hạnh nói dối với bà Bé và bà Tuyến cần tiền để lấy hàng, làm công trình và đáo hạn cho khách hàng tại các ngân hàng. Thực chất, sau khi vay được tiền thì Hạnh dùng một ít vào việc đáo hạn ngân hàng, số tiền còn lại thì trả lãi cho bà Bé, bà Tuyến, trả nợ và tiêu xài cá nhân hết. Đến hạn trả tiền gốc, Hạnh đưa ra lý do gian dối rằng, khách ngân hàng chậm giải ngân; đồng thời nhờ một số người ký khống khoản vay để bà Bé và bà Tuyến tiếp tục tin tưởng cho Hạnh vay và chiếm đoạt số tiền hơn 19,6 tỷ đồng. Nhiều lần đòi nợ không được nên bà Bé và bà Tuyến gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của vợ chồng Hạnh cho cơ quan Công an.
Cụ thể, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Bé. Do mối quan hệ quen biết nên vợ chồng Hạnh vay tiền của bà Bé nhiều lần để làm ăn, buôn bán, 2 bên thỏa thuận lãi suất 2%/1 tháng/ khoản tiền vay. Thời gian đầu, Hạnh trả đầy đủ cả lãi và gốc nên bà Bé tin tưởng cho Hạnh vay tiền. Sau khi được bà Bé tin tưởng thì Hạnh tiếp tục nói dối cần tiền để lấy hàng và làm đáo hạn cho khách hàng tại các ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi bà Bé đưa tiền thì Hạnh chỉ dùng một ít vào việc đáo hạn số tiền còn lại thì trả lãi cho những người Hạnh vay mượn, trả lãi ngân hàng, tiêu xài cá nhân dẫn đến không còn khả năng trả tiền cho bà Bé. Khi bà Bé đòi tiền, Hạnh đưa ra lý do khách hàng chưa trả, đồng thời nhờ một người ký khống khoản vay để bà Bé tiếp tục tin tưởng cho Hạnh vay tiền. Từ tháng 1-2020 đến tháng 3-2021, Hạnh và Vương đã lừa đảo chiếm đoạt của bà Bé số tiền gần 13,5 tỷ đồng. Trong đó, Vương trực tiếp lừa đảo chiếm đoạt số tiền 533 triệu đồng của bà Bé vào ngày 21-1-2020 và giúp sức cho Hạnh lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4,5 tỷ đồng của bà Bé vào ngày 4-2-2021.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Tuyến. Từ tháng 10-2020, Hạnh được Nguyễn Thanh N. (1994, trú thị trấn Hà Lam, H. Thăng Bình) là nhân viên tín dụng ngân hàng MB - Chi nhánh Quảng Nam giới thiệu gặp bà Tuyến để vay tiền. Trong khoảng thời gian từ tháng 10-2020 đến tháng 11-2020, Hạnh nhiều lần vay tiền của bà Tuyến với số tiền lên đến 8 tỷ đồng, tất cả các lần vay mượn trên Hạnh đều trả tiền gốc và tiền lãi đầy đủ, đúng hẹn. Tuy nhiên, do nợ tiền của nhiều người nên Hạnh nói dối với bà Tuyến cho Hạnh mượn tiền để làm đáo hạn cho khách. Vì Hạnh trả tiền lãi và tiền gốc đầy đủ nên bà Tuyến tin tưởng cho Hạnh vay tiếp số tiền 5,9 tỷ đồng. Ngoài ra, được sự giúp sức của Vương, Hạnh tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt của bà Tuyến số tiền 267 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền này thì Hạnh dùng trả lãi cho bà Bé, trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.
Tại phiên tòa, bị cáo Hạnh nghẹn ngào: “Bị cáo làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần chồng chất. Bị chủ nợ gây áp lực, bị cáo đành nói dối 2 bị hại Bé và Tuyến vay tiền làm các công trình xây dựng, đáo hạn ngân hàng... để có tiền xoay xở. Thực chất, số tiền vay được, bị cáo chỉ sử dụng một ít làm đáo hạn ngân hàng, còn lại trả nợ và trả lãi cho 2 bị hại. Khi 2 bị hại đòi tiền gốc thì bị cáo không có khả năng chi trả. Bị cáo có 4 đứa con còn thơ dại, đứa út vừa sinh được hơn 1 tuổi, đang ở với bị cáo trong trại tạm giam. Bị cáo mong HĐXX tuyên mức án khoan hồng để bị cáo sớm ra tù chăm lo cho con nhỏ và làm việc kiếm tiền trả nợ cho bị hại”.
Qua xem xét hồ sơ vụ án, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định, HĐXX quyết định tuyên bị cáo Hạnh 14 năm tù, bị cáo Vương 9 năm tù về tội danh trên.
Tác giả: LÊ VƯƠNG
Nguồn tin: cadn.com.vn