Vào thứ 4 tuần trước, trên trang Facebook chính thức của NYDC đã nói lời tạm biệt với khách hàng và hứa sẽ quay trở lại vào một ngày nào đó. Cuối tháng năm, NYDC đã phải đóng cửa ba quán trên đường Nguyễn Trãi, trung tâm thương mại Cantavil và Crescent tại TP.HCM. Ở khu vực trung tâm thành phố, cửa hàng tại Metropolitan vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, cửa hàng này cũng chính thức đóng cửa.
Chuỗi nhà hàng đóng cửa tại Việt Nam
Theo Insider Retail, hai yếu tố dẫn tới sự thất bại của NYDC là sự gia tăng nhanh chóng các chuỗi café mang thương hiệu Việt như The Coffee House, Phuc Long, Urban Station, Trung Nguyen, Kafe và Highlands. Ở những hệ thống này giá cả phải chăng và không gian đẹp. Yếu tố thứ hai là sự có mặt của Starbucks vào năm 2012 khiến cho NYDC phải cạnh tranh mạnh mẽ.
Nhiều chuỗi thương hiệu nước ngoài đã khá vất vả tại thị trường Việt Nam. Trong đó có, Gloria’s Jeans và Coffee Bean and Tea Leaf đã phải đóng cửa nhiều quán do giá thuê mặt bằng ngày càng tăng.
Burge King vào Việt Nam năm 2012 với kế hoạch đầy xây dựng 60 cửa hàng trong 5 năm. Tuy nhiên, hãng này phải đóng cửa nhiều cửa hàng và đến tháng 2, mạng lưới của họ chỉ là 16 chi nhánh.
Giám đốc điều hành VF Franchise Consulting, ông Sean T Ngo cho rằng, Việt nam là một trong những thị trường phát triển mạnh mẽ của kinh doanh nhượng quyền tại khu vực Đông Nam Á. Việc dứt áo ra đi của NYDC cho thấy thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi phát triển thương hiệu tại Việt Nam.
Sự khác biệt và vị trí các đối thủ cạnh tranh là điều mà các doanh nghiệp cần nắm rõ khi phát triển thương hiệu tại Việt Nam.
NYDC vào Việt Nam từ năm 2009, trở thành thương hiệu khá phổ biến tại TP.HCM. Kế hoạch ban đầu là mở 20 cửa hàng trong 5 năm với số vốn đầu tư 300.000 USD cho mỗi cửa hàng.Hai cửa hàng đầu tiên được mở tại trung tâm thành phố, tại Metropolitan và trung tâm mua sắm Now Zone, và tiếp đến là Vincom, Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent.
Tác giả bài viết: Duy Anh