Hơn 2 tháng kể từ khi có quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, nhóm nhà đầu tư vẫn đều đặn tập trung trước trụ sở tập đoàn này trên phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đòi quyền lợi. Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số lần hai bên ngồi lại với nhau không dưới 3 lần.
Nhân tố mới trong cuộc gặp gỡ
Lần này, đại diện phía Tân Hoàng Minh tiếp tục là Phó tổng giám đốc Vũ Đình Luyện, bên cạnh đó là sự xuất hiện của luật sư Phạm Văn Hưng. Còn đại diện phía nhà đầu tư là nhà đầu tư Trương Thị Thúy Hằng.
Đại diện nhà đầu tư đề nghị Tân Hoàng Minh làm rõ vai trò của luật sư ở cuộc họp này, ông Luyện nói nhằm giải thích các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc.
Tại cuộc họp, phía nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến tiến độ bán các dự án, xử lý tài sản và cách thức chi trả tiền cho nhà đầu tư. Ở chiều ngược lại, phía Tân Hoàng Minh lại đưa ra các thông tin mang tính chung chung, dẫn văn bản hoặc quy định pháp luật.
Nhà đầu tư trái phiếu vẫn liên tục gây sức ép lên Tân Hoàng Minh, buộc đại diện tập đoàn này phải ngồi lại (Ảnh: CTV). |
Nhà đầu tư đặt câu hỏi tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh có phải là tang vật vụ án không, luật sư Phạm Văn Hưng dẫn Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự: Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
"Nên nếu là vật chứng của vụ án thì thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan điều tra", vị luật sư này nói.
Trước thông tin đến ngày 30/6, Tân Hoàng Minh sẽ đóng cửa văn phòng tại Bắc Giang, Phó tổng giám đốc Vũ Đình Luyện cho biết tập đoàn này đang thực hiện cắt giảm tối đa chi phí để tập trung nguồn lực hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đề nghị Tân Hoàng Minh làm văn bản xin Bộ Tài chính thành lập ban xử lý tài sản để giải quyết hậu quả sau khi 9 lô trái phiếu bị hủy, ông Luyện trả lời sẽ trao đổi lại với lãnh đạo tập đoàn. Còn về quan điểm cá nhân, ông nhìn nhận yêu cầu trên để thực hiện tốn nhiều thời gian, ngoài ra theo quy định, phần dân sự trong vụ án hình sự sẽ được tiến hành cùng việc giải quyết vụ án hình sự.
(Biểu đồ: Văn Hưng). |
Thu hồi 840 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án cho Thaiholdings ra sao?
Đối với việc thu hồi tiền từ chuyển nhượng dự án cho Thaiholdings, đại diện Tân Hoàng Minh nói việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an (C03). Khi được hỏi về dự án Nguyễn Thị Minh Khai, ông Luyện khẳng định dự án nằm trong danh sách có thể chuyển nhượng, tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức nên chưa nhận cọc từ bất cứ bên nào.
Tân Hoàng Minh cũng cho biết đang làm việc với C03 về việc ủy quyền của các cá nhân đang bị tạm giam cho người đại diện quản lý cổ phần, phần vốn góp. Trên thực tế, nếu không xong các thủ tục pháp lý nội bộ nhằm hoàn thiện bộ máy quản trị, điều hành doanh nghiệp theo quy định, thì các phương án nhằm sớm hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư trái phiếu có thể tạm rơi vào bế tắc.
Tập đoàn này thông tin đã gửi C03 đề xuất phương án theo hướng khi số tiền chuyển vào tài khoản tạm giữ của C03 mở tại Kho bạc Nhà nước đạt từ 10% trở lên trên tổng dư nợ của 9 đợt trái phiếu phát hành, tập đoàn này sẽ phối hợp cùng C03 bắt đầu trả cho các nhà đầu tư với tỷ lệ đồng đều tương ứng.
Về số nợ, Tân Hoàng Minh hôm 24/5 khẳng định số tiền ghi nhận theo danh sách nhà đầu tư trái phiếu của tập đoàn này không lớn hơn 8.500 tỷ đồng. Nếu đề xuất ở trên của Tân Hoàng Minh được thông qua, tập đoàn này cần gom thêm ít nhất khoảng 200 tỷ đồng nữa thì nhà đầu tư mới bắt đầu nhận được tiền.
Hiện, Tân Hoàng Minh đã nộp 666,1 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của C03 mở tại Kho bạc Nhà nước (chưa bao gồm số tiền C03 đã trực tiếp thu hồi).
Tác giả: Văn Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí