Trong thông điệp mới gửi đến cổ đông và nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) cho biết: “Nhìn lại năm 2018, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Chính vì vậy, ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải”.
Cao su từng là mảng cốt lõi của bầu Đức cũng chính là nguồn cơn đưa HAGL đi vào chuỗi ngày lao đao. "Đỉnh điểm là từ 2015 tới 2017, khi giá cao su sụt giảm sâu, đẩy công ty vào tình trạng hết sức khó khăn", bầu Đức cho biết.
Hiện, HAGL duy trì ổn định và chăm sóc 47.122 ha cao su, trong đó 20.361 ha tại Lào, 4.972 tại Việt Nam và 21.789 ha tại Campuchia. HAGL đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào. Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi.
Năm 2018, giá cao su vẫn chưa thực sự phục hồi nên doanh thu từ ngành này chưa đạt như kỳ vọng.
Bầu Đức: Ngành cao su của HAGL vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn |
Bù lại, nhờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đã đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.
Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu khả quan với mức 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu HAGL. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.
Với diện tích cây ăn trái này, HAGL dự kiến sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của doanh nghiệp.
HAGL hướng dần đến tự động hóa tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, trồng cây, làm cỏ đến thu hoạch, đóng gói, và bảo quản sau thu hoạch.
HAGL cũng sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến hiện đại, tạo ra các sản phẩm từ trái cây với chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc, sấy khô, và cấp đông để xuất khẩu, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tác giả: Nguyễn Quang
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM