Kinh tế

Sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử thế nào cho an toàn?

Sự việc khách hàng của Vietcombank bị "bốc hơi" 500 triệu chỉ sau một đêm cho thấy chủ tài khoản ở bất kỳ địa phương hay ngân hàng nào cũng có thể lâm vào nguy cơ tương tự nếu những thông tin bảo mật bị đánh cắp. Làm thế nào để sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn là sự quan tâm chung của các chủ thẻ hiện nay.

Thường xuyên sử dụng dịch vụ giao dịch ngân hàng điện tử trên điện thoại, chị Lê Thị Mai Hạnh thực sự cảm thấy lo lắng khi biết thông tin có người đã bị mất tiền vì hoạt động tương tự. Cùng chung tâm lý với chị Hạnh, những ngày gần đây tại các điểm giao dịch của ngân hàng Vietcombank ghi nhận không ít người đã lựa chọn cách đến ngân hàng để giao dịch trực tiếp cho an toàn. Chị Lê Thị Mai Hạnh - Phường Quang Trung, Thành phố Vinh nói: Thực ra nghe thông tin vụ việc đó cũng thấy lo, vì mình thường xuyên giao dịch trên điện thoại. Cũng mong muốn ngân hàng có giải pháp nào để để đảm bảo bí mật về tài khoản, giao dịch của mình trên điện thoại, internet...

Khách hàng cần bảo mật mọi thông tin khi sử dụng dịch vụ giao dịch ngân hàng điện tử trên điện thoại


Tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh, dù chưa có hiện tượng khách hàng đồng loạt rút tiền ra khỏi ngân hàng do lo ngại về độ an toàn tiền gửi nhưng vào thời điểm này đã có những khách hàng quyết định tạm ngưng mọi giao dịch điện tử. Theo nhiều ý kiến: Việc khách hàng bị mất tiền khi sử dụng ứng dụng thanh toán qua internet dù có thể do vô tình nhưng ngân hàng cũng cần thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho các chủ thẻ.

Anh Lưu Hồng Đoàn – huyện Diễn Châu cho rằng: Ngân hàng phải có trách nhiệm sau câu chuyện này. Bởi vì nếu có các trang Web giả mạo thì ngân hàng phải phát hiện ngăn chặn được chứ khách hàng thấy giống như thế làm sao phân biệt được. Ngân hàng phải xem lại công tác an ninh của mình. Còn hiện tại tôi chắc sẽ không dùng thanh toán điện tử.

Trên mạng có nhiều đường link lạ, ngân ngàng khuyến cáo khách hàng không nên truy cập


Ngay sau khi xảy ra sự cố, Vietcombank đã gửi tin nhắn cảnh báo đến toàn bộ khách hàng. Theo đó, ngân hàng này khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên, mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử, mã OTP, số thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội, web hoặc đường link lạ. Vì đây cũng là nguyên nhân khiến thông tin chủ thẻ bị đánh cắp dẫn tới bị rút tiền trong tài khoản.

Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó phòng dịch vụ khách hàng Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Vinh cho biết: Sau vụ việc đó Ngân hàng đã có thông báo trong toàn hệ thống cảnh báo tới khách hàng. Về phía ngân hàng cũng đã nâng cấp dịch vụ cung cấp mật khẩu OTP cho khách hàng bằng cách phải đến quầy rồi các hạn mức chuyển tiền cũng có thể phải hạ xuống theo yêu cầu của khách hàng để đảm bảo an toàn nhất. Và tôi cũng khẳng định lại là Vietcombank không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp qua các hình thức kể cả tin nhắn, gọi điện thoại, trên trang Web đồng thời cả mật khẩu và cả tên truy cập.

Nhiều khách hàng lựa chọn phương án đến giao dịch tại ngân hàng thay vì qua mạng


Tính đến 31/7, tại Vietcombank chi nhánh Vinh hiện có trên 114 ngàn khách hàng sử dụng thẻ, trong đó có gần 21 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet các chủ thẻ có thể thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Sau câu chuyện mất tiền tại Vietcombank, một vài tin nhắn khuyến cáo từ phía ngân hàng không thể giải quyết hết vấn đề tâm lý cho khách hàng mà phải nghiêm túc đánh giá lại hệ thống bảo mật của dịch vụ giao dịch điện tử; đồng thời với những chủ thẻ có thể nhiều người sử dụng dịch vụ này cũng phải điều chỉnh những thói quen có khả năng gây mất an toàn đối với những thông tin bảo mật của chính mình.

Tác giả bài viết: Xuân Hướng – Trường Ca

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP