Chính phủ ban hành Quyết định số 452 ngày 27/2/2025 về quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học là một trong những sự kiện quan trọng trong bối cảnh Trung ương ban hành Kết luận 91 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh” (ảnh: Đại học Đà Nẵng) |
Theo GS TS Phạm Hồng Quang, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục; Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên, hiện tại chưa đến 28% sinh viên học khối STEM, nên việc tăng tỉ lệ này để đạt 35% quy mô đào tạo là thách thức và cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học phát triển: "Nền tảng của kĩ sư công nghệ, kĩ thuật cao, chip bán dẫn và những hệ thống năng lực liên quan phải xuất phát từ nền tảng khoa học cơ bản, các môn Toán, Vật Lí, Hóa-Sinh làm nền tảng chính. Nhận thức của xã hội và trách nhiệm của ngành giáo dục (đặc biệt là giáo dục phổ thông) cần khẩn chương chuẩn bị trong 3-5 năm tới. Nếu không sẽ không kịp để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 kĩ sư bán dẫn, 100 doanh nghiệp thiết kế và đạt doanh thu 25 tỉ USD/năm theo mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Do vậy, ngành học STEM phải được chú trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt vừa có tầm quan trọng đặc biệt.
Không có nhân tài nếu không dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, để phát triển bền vững đất nước, chiến lược này đã được quán triệt toàn diện trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 5 trường đại học công lập có năng lực, uy tín hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu một số ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ then chốt, mũi nhọn để trở thành các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ; đồng thời các đại học đa ngành cần tập trung mục tiêu đổi mới sáng tạo, có sức hút mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tác giả: Lê Thu
Nguồn tin: vov.vn