Kinh tế

Sẽ “trảm” cán bộ không biết “tiêu” tiền, để vốn ODA tồn đọng

Từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn 2 tháng, trong khi đó lượng vốn ODA còn tới 41.000 tỷ đồng chưa được giải ngân. Thủ tướng yêu cầu cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020 cho thấy: Ước đến ngày 31/10, phần lớn các Bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có mức giải ngân cao nhất với tỉ lệ 44,8%.

Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Theo Bộ KH&ĐT, từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân.

Từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn 2 tháng, trong khi đó lượng vốn ODA còn tới 41.000 tỷ đồng chưa được giải ngân (ảnh minh họa)

Hồi tuần trước, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội công bố báo cáo thẩm tra, đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.

Đề cập tới việc giải ngân vốn ODA, cơ quan tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: Vốn ODA tính hết 9 tháng năm 2020 mới giải ngân đạt 24,8% dự toán. Thậm chí, lần đầu tiên có việc một số Bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao.

Ngày 29/10, tại cuộc họp về về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc các địa phương trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn.

Thủ tướng nhấn mạnh: ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Các Bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn ngân sách Nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi chính sách.

“Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu” - Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA.

“Các đồng chí theo dõi trong đó có vấn đề cán bộ không biết làm việc, cán bộ tiêu cực, cán bộ vì lợi ích nhóm mà không triển khai” - Thủ tướng kiên quyết.

Các ngành, các Bộ, địa phương phảichịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm nay, trong đó cả việc tìm các nguồn hợp pháp để cân đối.

Thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tránh tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán. Không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước, nếu không làm được thì điều chuyển việc khác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn 41.000 tỷ đồng.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP