Khi 2 nhiệm kỳ tám năm của Tổng thống Barack Obama không còn kéo dài, người đứng đầu nước Mỹ đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng lớn vì không ngăn chặn được cuộc tàn sát ở Syria – điều được gọi là “sai lầm nghiêm trọng nhất” của ông.
Tổng thống Obama phải đón nhận những lời chỉ trích không đáng có.
Tuy nhiên những lựa chọn thay thế của những người chỉ trích cũng không phải là biện pháp khả quan, theo ý kiến của Christopher R. Hill, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á viết trên tờ Project Syndicate.
Trong những lời gièm pha phải đón nhận, Obama bị lên án vì quyết định không can thiệp quân sự mạnh mẽ nhằm hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngay từ thời điểm khởi đầu cuộc xung đột, khi Mỹ có thể có cho mình nhiều lực lượng "ôn hòa" hơn tham gia vào kịch bản.
Giới quan sát cho rằng lẽ ra ông Obama cũng nên áp dụng cái gọi là “lằn ranh đỏ” mà ông đã đặt ra, ví dụ như can thiệp ngay vào trường hợp chính phủ Assad triển khai vũ khí hoá học.
Chính vì không can thiệp sớm và dứt khoát, người ta nói rằng ông Obama đã trốn tránh “trách nhiệm bảo vệ công dân" mà Liên Hợp Quốc kêu gọi. Hơn nữa, Obama còn tạo không gian cho thế lực bên ngoài ủng hộ cho chính phủ Assad - mà đặc biệt là Nga - nước đã gửi các chuyên gia huấn luyện và máy bay tiêm kích đến giúp đỡ các lực lượng của Assad.
Christopher R. Hill cho rằng chỉ trích này là một điều không chính xác. Tất nhiên ông Obama đã có những sai sót của mình trong chính sách ở Syria - những sai lầm góp phần làm cuộc khủng hoảng vượt quá tầm kiểm soát - tuy nhiên trên thực tế chính "chủ nghĩa can thiệp" của Mỹ đã được chứng minh là đang có sự phản tác dụng gấp nhiều lần, trong đó phải kể đến ở Iraq lẫn Libya.
Điều mà các học giả, chính trị gia, và công chúng nên ủng hộ là một chính sách đối ngoại tích hợp hơn. Trong đó các mục tiêu ngắn và dài hạn, được lựa chọn và xếp loại ưu tiên theo khả năng mang lại lợi ích cho nước Mỹ và phần còn lại của thế giới một cách bền vững.
Ở Syria, yếu tố trung tâm chính là Assad. Quyết định chấm dứt quan hệ và kêu gọi Assad từ chức đã cho thấy sự sai lầm trong phân tích tình hình mà tác động của nó cho đến giờ vẫn chưa buông tha chính quyền Obama.
Hồi năm 2011, chính quyền Obama xác định rằng, cũng giống như ở Tunisia và Ai Cập, “Mùa xuân Ả Rập” ở Syria – được xem như một phong trào dân chủ trên diện rộng – sẽ lật đổ được chính quyền Assad.
Ngay cả khi quân chính phủ tiến hành phản công bùng nổ ở những nơi như Hama, Homs, và Aleppo, các quan chức Mỹ vẫn tin rằng việc Assad bị lật đổ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Mỹ đã không tính đến lợi ích của Nga ở Syria.
Người ta tin trằng Assad đã bị dồn vào chân tường, và chỉ biết vùng vẫy trong tuyệt vọng trước cơn thuỷ triều không thể lay chuyển của lịch sử.
Dựa trên đánh giá này, Mỹ và các đối tác đã tìm cách cô lập chính phủ Assad. Họ đã tiến hành thống nhất các nhóm đối lập, cung cấp sự hỗ trợ đáng kể, và kêu gọi thành lập một chính phủ lâm thời và một cuộc bầu cử dân chủ.
Đánh giá này là sai lầm. Bởi, không thể có một chính sách tốt nếu không có sự phân tích tốt.
Những lỗ hổng trong cách xem xét của chính quyền Obama về cuộc khủng hoảng Syria sớm trở nên rõ ràng. Hầu hết các phần tử cực đoan Sunni với sự hỗ trợ của nước ngoài đã nhanh chóng thống trị “phong trào dân chủ nhân dân”.
Các thực thể trỗi dậy sau đó – cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – dù không đủ khả năng tạo dựng một nhà nước như chúng mong muốn nhưng cũng lớn mạnh vượt bậc.
Nhiều người ngoài cuộc biện minh rằng sự phát triển của lực lượng cực đoan là không thể tránh khỏi, do những thế lực bên ngoài như Mỹ đã không can thiệp sớm hơn và mạnh hơn. Nhưng nghiên cứu cho thấy sự cực đoan hóa vốn đã diễn ra từ rất sớm nhưng chính Mỹ mới là người lơ là.
Ngoài việc hiểu sai phe đối lập, chính quyền Obama còn phạm một sai lầm định mệnh ở Syria, đó là không màng đến lợi ích của các cường quốc khác.
Đặc biệt là Nga - quốc gia có lợi ích chiến lược đáng kể ở Syria với những lo ngại về việc quốc gia Trung Đông này bị tiếp quản bởi các chiến binh thánh chiến, theo nhiều nguồn tin nói rằng nó bao gồm cả những phần tử cực đoan từ Chechnya.
Mỹ đã phủ nhận tất cả những điều này, và không muốn tiếp nhận bất cứ đề xuất gì từ chính phủ của Tổng thống Nga Putin. Thay vào đó, các quan chức Mỹ thường giảng giải cho người bạn Nga về những các gọi là tội ác của chế độ Assad. Họ tuyên bố Nga cần phải tiếp cận đúng chiều của lịch sử.
Nhưng lật đổ một chính phủ hợp pháp như của Assad – có đưa Mỹ hay Nga đi đúng chiều lịch sử hay không? Thực tế Syria vẫn là một thành viên của Liên Hợp Quốc. Và bài học về sự cưỡng chế thay đổi chế độ ở Libya vẫn sẽ là điều Mỹ cần ghi nhớ.
Mỹ và các nơi khác (những nơi vốn ở rất xa các cuộc chiến), vẫn tiếp tục phàn nàn về những cơ hội bị vuột mất nhằm can thiệp quân sự và bảo vệ dân thường.
Rất ít ý kiến có vẻ chấp nhận khả năng là cơ hội bị mất thực sự nằm ở sự thất bại trong việc tiến tới một giải pháp củng cố hoà bình.
Christopher R. Hill cho rằng, đây đơn giản chỉ là vấn đề tự bảo tồn lợi ích chính trị: hơn bất kỳ nơi nào khác, ở Mỹ, việc thay đổi chính sách sẽ bị chế nhạo, và bị coi là một lựa chọn tồi tệ hơn cả tiếp tục chính sách thất bại hiện tại.
Tuy nhiên, một vài triển vọng gần đây từng có vẻ tươi sáng hơn khi Mỹ và Nga đã bắt đầu tìm kiếm thảo luận về việc hợp tác quân sự chặt chẽ hơn. Những mọi thứ đã sớm dừng lại kể từ khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ hồi cuối tháng 9.
Ở thời điểm này, sẽ rất khó để nói trước điều gì sẽ tiếp tục hiện ra trong lòng cuộc khủng hoảng Syria. Một nhà nước mới do người Sunni lãnh đạo? Hay nhiều nhà nước mới? Ngay cả việc bản đồ Trung Đông sẽ được định hình lại cũng là một khả năng.
Điều chắc chắn rằng kết quả của nó sẽ có tác động đến các nước láng giềng của Syria và cộng đồng quốc tế. Lợi ích của Mỹ, cùng với lợi ích của người dân Syria, phải hướng đến nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tàn sát và tạo điều kiện cho hoà bình trong dài hạn.
Tác giả bài viết: Quốc Vinh