Ngăn cách giữa đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn quận 2, TP.HCM là hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau. Bên phường Bình Trưng Đông là những căn hộ chung cư, các khu biệt thự sang trọng đang hình thành.
Còn bên phường An Phú lại như một làng quê thu nhỏ. Rừng dừa nước thẳng cánh cò bay. Mấy căn chòi dựng tạm bằng thân cây và lá dừa nước, mái lợp tôn trên khu đất nhô cao, lọt thỏm giữa ao sen. Bên cạnh, đàn trâu bò, dê, mấy chú cừu của anh Nguyễn Phú Thịnh đang nằm ăn cỏ.
Một trong những đàn lợn của anh Nguyễn Phú Thịnh. |
Mấy hôm nay, trời nắng nóng, 6 giờ chiều anh Thịnh mới cho đàn trâu bò hơn 30 con, mấy chú cừu, dê vào chuồng. Xong, anh chuẩn bị thức ăn cho gà, vịt, đàn heo hơn 50 con đang kêu inh ỏi vì đói.
Anh Thịnh cho biết, thường ngày, công việc của anh sẽ kết thúc vào lúc 4 giờ chiều. Một giờ sau, anh về nhà trong khu dân cư phường An Phú tắm rửa, phụ vợ việc nhà, đón con, hoặc ra khu công viên gần nhà đánh cờ, trò chuyện với mấy người đàn ông trong xóm.
'Mấy hôm nay nắng quá, tôi dời mọi hoạt động lại hai giờ', người đàn ông năm nay 42 tuổi nói. Anh cũng cho biết, tính đến nay anh đã có hơn 15 năm làm nông dân giữa TP. HCM - một trong những thành phố sầm uất nhất cả nước.
Trước đây, anh Thịnh là kỹ sư cơ khí, làm trong một công ty lớn tại TP.HCM. Khu đất anh đang dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm là của bố mẹ vợ, trước là cánh đồng lúa.
Chuồng bò được anh Thịnh dựng bằng thân cây và lá dừa nước. |
Năm 2003, đến khu đất chơi, thấy nơi đây bỏ trống, cỏ mọc um tùm, anh nghĩ đến việc chăn nuôi. Thế là, anh bắt tay vào phát cây, dọn dẹp xung quanh để thực hiện kế hoạch đã vạch sẵn.
Ban đầu, anh dùng hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, vay thêm bố mẹ xây chuồng, mua 50 con bò về nuôi. Thời gian này, các khu vùng ven của thành phố còn hoang sơ, cỏ nhiều vì thế, đàn bò của anh lớn nhanh. Thấy lợi nhuận cao, anh quyết định bỏ công việc kỹ sư, ở nhà tập trung chăn nuôi.
Anh cũng đi học thêm khóa thú y để tự chăm sóc, vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Những lúc heo và bò sinh sản, anh trực tiếp cắt cuống rốn, chích ngừa cho chúng.
Anh Thịnh dọn dẹp chuồng trại cho vật nuôi. |
Mấy năm nay, các khu đất ruộng được giải tỏa, đền bù, những khu dân cư cũng dần hình thành, cỏ ít đi. Anh tận dụng nguồn thức ăn thừa lấy từ các quán ăn, chợ nuôi thêm heo, gà, vịt, dê, cừu và nuôi cá, trồng sen ở những khoảng ruộng sâu kiếm thêm thu nhập.
Ngày hai lần, sáng và trưa, anh đi gom đồ ăn thừa về chế biến thức ăn cho vật nuôi. Chuồng trại thì dọn dẹp ngày một lần. Toàn bộ chất thải của vật nuôi sẽ được phơi khô bán cho các nhà vườn trồng rau, cây cảnh.
'Nhìn tôi chân tay lấm lem, quần áo sờn rách, ngày nào cũng chạy chiếc xe cà tàng đi lấy thức ăn thừa, mấy đứa bạn hỏi: 'Sao nhàn không muốn lại thích cực'. Mới đầu, tôi khá ngại nhưng giờ hết rồi. Công việc này cho tôi thu nhập cao, có sự thoải mái, không bị căng thẳng vì công việc', anh Thịnh nói, tay chỉ về chú heo nái đang nằm ngủ trong chuồng. Anh cho biết, chú heo đang mang thai khoảng một tháng nữa sẽ sinh.
Số vật nuôi sau khi lớn sẽ anh sẽ bán cho các cơ sở quen trong thành phố. Mỗi tháng, anh cũng thu khoảng từ 40-100 triệu đồng.
Cách mấy bước chân, vợ chồng chị Loan đang lùa đàn bò hơn 20 con, bụng căng tròn sau một ngày đi ăn cỏ vào chuồng. Chị cho biết, khu đất đang dựng chuồng chăn nuôi là của ông bà chị để lại cho con cháu. Hơn 10 năm qua, hai vợ chồng chị đến đây chăn nuôi.
Ngoài nuôi trâu bò, vợ chồng chị còn trồng sen, nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm dưới ao và nuôi thêm gà vịt giao cho các mối.
Các mối đến mua bò của anh Thịnh. |
Anh Thịnh cho biết, thời gian tới khu vực này sẽ được quy hoạch. Vì thế, vợ chồng anh tính sẽ đi nơi khác mua đất để việc chăn nuôi không bị gián đoạn. 'Trước đây, tôi dựng chuồng, nuôi heo nái đẻ bằng âm nhạc ở khu đất trồng gần nhà. Toàn bộ số heo đẻ tôi mang ra đây nuôi hết. Hai năm nay, nhà dân mọc lên nhiều, tôi bỏ chỗ đó rồi. Nơi này, vài năm nữa cũng không còn nữa, tôi phải tính trước', anh Thịnh nói.
Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú (quận 2, TP.HCM) cho biết: 'Khu đất nơi anh Thịnh và các hộ khác đang làm nghề chăn nuôi đã có kế hoạch giải tỏa từ lâu nhưng chưa thương lượng với người dân xong, vì thế, vẫn thuộc quản lý của người dân. Trước đây, nơi đây là cánh đồng lúa. Sau đó, anh Thịnh cùng vài người khác đến cải tạo để chăn nuôi'.
Ông Phương cũng cho biết: 'Các hộ đã đăng ký cam kết thực hiện vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh, dịch bệnh và không thả rông gia súc'.
Tác giả: Tú Anh - Hoài Nam
Nguồn tin: Báo VietNamNet