Với nghị quyết được thông qua, thành phố Huế trực thuộc trung ương được thành lập dựa trên cơ sở toàn bộ hiện trạng điều kiện tự nhiên, dân số của tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay. Hãy cùng nhìn lại nỗ lực phấn đấu của Thừa Thiên - Huế để được công nhận là thành phố thứ 6 của cả nước trực thuộc trung ương.
Kinh tế đột phá
Theo tờ trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, sau gần 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW năm 2009 của Bộ Chính trị Về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay địa phương này đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Sáng 30-11, Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương. Ảnh: Lê Đình Hoàng. |
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỉ đồng; chi ngân sách 10.487 tỉ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỉ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kì, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế (91,06%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2022.
Tuyến đường ven biển sắp hoàn thành, tạo động lực phát triển cho kinh tế thành phố Huế trong thời gian tới |
Cùng với sự phát triển của công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh đã tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hình thành nhiều công trình kiến trúc có điểm nhấn, các khu di tích lịch sử, văn hóa được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo mang đặc sắc của cố đô Huế, có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt đã được UNESCO công nhận. Xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, trong đó Bệnh viện Trung ương Huế là 1 trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp quy hoạch ngang tầm quốc tế…
Kết quả, ngày 30-8-2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I đối với khu vực tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; các khu vực dự kiến thành lập quận, thị xã, phường thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương đã được công nhận đạt tiêu chí về phân loại đô thị và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.
Vì sao đặt tên là thành phố Huế?
Đến thời điểm hiện tại, TP Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ đổi thành thành phố Huế và TP Huế hiện tại được chia thành 2 quận Phú Xuân, Thuận Hoá.
Vì sao khi lên thành phố Trung ương tỉnh Thừa Thiên - Huế được đổi lại tên TP Huế? Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Trước đó, khi triển khai xây dựng đề án thì ý kiến người dân đều đồng tình với tên gọi TP Huế.
Quy mô của thành phố Huế Thành phố Huế trực thuộc trung ương có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện; có 133 ĐVHC cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 07 thị trấn; tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người), tăng 8,01% so với hiện trạng. |
Theo tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương thì về lịch sử, tên gọi Huế đã xuất hiện từ rất sớm và đã từng là đô thị trung tâm của cả nước thời vua Nguyễn với vai trò kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trở thành 3 trung tâm của đất nước.
Về văn hóa xã hội, với đặc trưng riêng của dòng sông Hương, núi Ngự và khối di sản lớn của triều đại phong kiến xưa để lại, là đô thị cấp quốc gia và từng là kinh đô của nước ta thời Tây Sơn và triều Nguyễn, Huế là danh xưng đã tồn tại từ lâu trong lịch sử, khắc sâu trong tiềm thức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung. Đồng thời, với vai trò của thành phố Festival mang tầm quốc tế, là điểm đến du lịch văn hóa - di sản nổi tiếng, thành phố Huế là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, đối ngoại với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, tên gọi Huế cũng rất thân thuộc với bạn bè quốc tế.
Tác động như thế nào khi Huế lên trung ương?
Theo đề án, về phát triển kinh tế thành phố Huế sẽ có bước đột phá để phát triển, phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO ghi nhận; cùng với TP Đà Nẵng là động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước.
Huế là trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước khi có Bệnh viện Trung ương Huế. |
Các nguồn vốn được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch, ưu tiên cho các dự án về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; trùng tu, phục hồi các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tư liệu của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Cơ cấu nền kinh tế của thành phố sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch, là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển.
Các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sản xuất, dịch vụ xoay quanh và phục vụ các khu vực đô thị sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu hút lượng lớn lao động tại địa phương, các vùng phụ cận và lao động có trình độ cao từ các địa phương khác, tăng nguồn thu cho địa phương và tăng thu nhập cho người dân.
Thương hiệu "thành phố trực thuộc trung ương" tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển sôi động, kích thích nguồn cung chất lượng và nguồn vốn lớn từ các doanh nghiệp, người dân, các địa phương trong cả nước và đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Thành phố Huế sẽ là đô thị di sản đầu tiên của Việt Nam. |
Còn về văn hóa - xã hội, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh là động lực để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á và thế giới về văn hóa, du lịch lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đồng thời tạo điều kiện cho thành phố Huế khai thác hết tiềm năng, thế mạnh cho phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ, giữ gìn được quần thể di tích di sản có quy mô lớn nhất, mang tính toàn vẹn, điển hình nhất của đất nước, góp phần giữ gìn, củng cố bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập toàn cầu và nâng cao giá trị, sức thu hút của ''điểm đến đặc sắc Việt Nam'' trên bản đồ thế giới.
Tác giả: Quang Nhật
Nguồn tin: Báo Người lao động