Kinh tế

Putin đầu cơ vàng, cả thế giới e ngại

Tổng thống Vladimir Putin không chỉ giỏi trong các quyết định thay đổi cục diện và vị thế của Nga trên trường quốc tế mà còn được đánh giá là một nhà đầu tư có tầm nhìn xa khiến thế giới e ngại.

Putin âm thầm mua vàng ròng: Không thể xem thường


Những quyết định tỷ USD

Theo báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nửa đầu 2016, mỗi tháng nước Nga đã mua khoảng 14 tấn vàng, cao hơn mức 11 tấn mua vào của Trung Quốc và cao hơn hẳn so với các nước khác trên thế giới.

Cũng theo IMF, Nga và Trung Quốc chiếm gần 85% lượng vàng mà ngân hàng trung ương các nước mua trong vòng 2 năm qua. Nếu chỉ tính trong quý 1/2016, theo Hội đồng vàng thế giới, dự trữ vàng của nước Nga đã tăng thêm 45,8 tấn, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm trước đó. Hiện tại dự trữ vàng của Nga đã lên tới gần 1.500 tấn.

Putin muốn tăng dự trữ vàng và giảm phụ thuộc vào đồng USD.


Việc nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin gần đây âm thầm mua một lượng vàng rất lớn. Đây là một động thái thu hút sự chú ý của giới quan sát và không hề được các quốc gia phương Tây xem thường.

Một số nhà phân tích cho rằng, chính sách nhất quán của ông Putin là nâng tầm vị thế nước Nga và làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và châu Âu. Mua vàng là một phần trong kế hoạch lâu dài thống trị thế giới của ông Putin.

Cú giơ tay ra với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, người vốn đang thất thế trên trường quốc tế sau cuộc thanh trừng các phần tử đối lập sau cuộc đảo chính bất thành, của Putin vừa qua cũng được gắn liền với những quyết định tỷ USD.

Theo tờ WorldTribune, Putin và Erdogan hôm 9/8 đã đồng ý làm sống lại dự án nhiều tỷ USD trong đó có Turkish Stream - “dòng chảy TNK”. Một dự án mà trước đó Putin muốn biến TNK thành quốc gia trung chuyển lớn cho khí đốt Nga vào châu Âu, với công suất là 63 tỷ mét khối mỗi năm. Hai bên cũng nhắm tới mục tiêu thương mại song phương lên 100 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng, dự án án xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của TNK, với công suất dự kiến 4.800 MW bên bờ Địa Trung Hải cũng có thể sẽ được cân nhắc lại.

Giữa 2015, Nga đã ký bản ghi nhớ hợp tác nhiều lĩnh vực với Saudi Arabia, trong đó có nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quân sự, hạt nhân. Thỏa thuận về lập Quỹ đầu tư trị giá 10 tỉ USD, do Quỹ đầu tư Nhà nước Saudi Arabia (PIF) và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) góp vốn. Những thỏa thuận đó là nền tảng để Saudi Arabia và Nga tăng cường hợp tác phát triển các dự án dầu lửa, khí đốt chung.

Giơ tay với người "đâm sau lưng" vì lợi ích của Nga tại Trung Đông.


Thế giới e ngại

Cũng trong năm 2015, Nga và Hy Lạp cũng đã có những thỏa thuận ban đầu về việc cung cấp tài chính cho dự án mở rộng đường ống dẫn khí đốt của Nga từ TNK sang Hy Lạp với chi phí hạ tầng được ước tính khoảng 2 tỷ USD.

Với việc quyết tâm theo đuổi "Dòng chảy TNK", sự bắt tay trở lại với TNK và những tính toán với Hy Lạp, Moscow dường như muốn cho EU thấy sức mạnh của Nga và nó cũng sẽ khiến nội bộ khối này chia rẽ vì quyền lợi.

Trước đó, theo ước tính của Reuters, chiến dịch không kích kéo dài gần 6 tháng (từ tháng 9/2015) đã tiêu tốn của điện Kremlin khoảng 700-800 triệu USD. Tuy nhiên, đây là một thắng lợi lớn của Putin. Chỉ khoảng 1 tháng sau chiến dịch, giá dầu thế giới đã tăng 12% lên hơn 50 USD/thùng, giúp nền kinh tế Nga bớt khủng hoảng. Chỉ trong vòng 6 tháng, vị thế của Nga đã thay đổi, từ chỗ điêu đứng về kinh tế và bị phương Tây ghẻ lạnh trở thành một bên đối thoại thường xuyên của cả Washington và EU.

Dầu khí và quân sự là sức mạnh của Nga.


Cuối 2014, trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Nga và Trung Quốc cũng đã ký kết 38 thỏa thuận quan trọng từ khí đốt tới tài chính, trong đó có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa đồng NDT và rúp trị giá 24,5 tỷ USD nhằm hạn chế phụ thuộc vào đồng USD. Chỉ 1 năm sau đó, cuối 2015, đồng NDT của Trung Quốc đã được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR.

Cũng trong năm 2014, ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết thỏa thuận mua bán ký đốt lịch sử trị giá 400 tỷ USD. Nga đầu tư hệ thống đường ống "Sức mạnh Siberia" để hàng năm dẫn 38 tỷ mét khối khí sang bán cho Trung Quốc.

Có thể thấy, chỉ trong một khoảng thời gian không dài khoảng 2 năm gần đây, ông Putin đã có hàng loạt các quyết định đầu tư mang tính lịch sử. Những quyết định tỷ USD, từ đầu tư cho một cuộc không kích có giới hạn cho tới những dự án dầu khí kéo dài vài chục năm, đã giúp thay đổi cục diện cũng như vị thế của Nga.

Sau khi ra đòn nặng tay với TNK, Putin gạt qua “cú đâm sau lưng” để bắt tay với Erdogan trong những dự án kinh tế lớn, hứa hẹn một vị thế mới của nước Nga tại một đất nước nằm trong lòng châu Âu. Dòng chảy TNK nếu được hình thành sẽ khiến quân bài dầu khí của Nga đối với châu Âu trở nên trị giá hơn, trong khi Mỹ vẫn ở rất xa. Sự rạn nứt trong liên minh EU trở nên căng thẳng.

Tác giả bài viết: V. Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP