Giáo dục

Vụ bài thi phúc khảo từ 0 thành 9 điểm: Lỗi do thí sinh?!

Có rất nhiều vấn đề trong sự cố nhiều bài thi phúc khảo tăng vọt điểm, trong đó có bài từ 0 thành 9 điểm ở Tây Ninh. Chưa kiểm chứng phần mềm, quy trình chấm thi... những người có chức năng đã 'báo cáo ban đầu' lỗi do thí sinh!

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Việc chấm sai dẫn đến cùng một thí sinh bị cả 3 môn 0 điểm trong bài thi tổ hợp là điều khó xảy ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại cũng vẫn là lỗi do... thí sinh.

Không biết đâu mà lần !

Hôm 31.7, đại diện Bộ GD-ĐT nói “lỗi tại thí sinh”, hôm 1.8 lại nói “lỗi do thí sinh - chỉ là báo cáo ban đầu của các ban chấm phúc khảo”!

Cũng trong hôm qua 1.8, bộ này lại gửi báo chí ý kiến của ông Trần Đức Thuận, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai (trưởng ban phúc khảo), đổ lỗi do kỹ thuật liên quan đến giấy in, chất lượng in phiếu trả lời trắc nghiệm… nên máy quét không nhận dạng được chính xác phiếu trả lời trắc nghiệm; thí sinh tô sai mã đề; thí sinh chọn lại phương án mới nhưng không tẩy hết phương án cũ. Đúng là không biết đâu mà lần!

Thế nhưng, thông qua 4 bước chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT ban hành, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng nếu thí sinh có phạm 1 trong 3 lỗi (tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh, hoặc tô mờ đáp án) thì những bước còn lại vẫn phát hiện được, từ đó "mở ra giải pháp" để hội đồng chấm thi cho chấm lại, bảo vệ được tính công bằng cho tất cả thí sinh trong một kỳ thi rất quan trọng này.

Một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho rằng để xảy ra sự cố này còn có trách nhiệm của cán bộ chấm thi và lỗi phần mềm không thích hợp. Đó là chưa kể một số hội đồng chấm thi ở các địa phương có thể còn có việc sử dụng máy móc và giấy làm bài thi trắc nghiệm không đúng quy chuẩn… Không thể nói lỗi chỉ do thí sinh.

Tình huống dẫn tới bài thi trắc nghiệm bị điểm 0

Có 204 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo

Tối 1.8, Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cho biết: Đến 17 giờ ngày 1.8, tất cả 63 hội đồng thi của 63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi và công bố kết quả cho thí sinh. Tổng số bài thi đã phúc khảo là 57.639; trong đó tổng số bài thi trắc nghiệm là 40.887. Tổng số bài thi trắc nghiệm có thay đổi kết quả sau phúc khảo là 204. Trong đó, 100% các bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 hội đồng thi có kết quả phúc khảo không thay đổi so với kết quả ban đầu. Gần 20 hội đồng thi chỉ có 1 đến 3 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo. Riêng Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh có 62 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.

Tuệ Nguyễn

Theo những người có kinh nghiệm về việc này, các sai sót trong kết quả chấm thi có thể đến từ máy móc, giấy in phiếu trả lời trắc nghiệm và cán bộ.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phân tích ở giai đoạn scan bài thi, độ chính xác của file ảnh sẽ quyết định tính chính xác của kết quả chấm. Điều này phụ thuộc vào thao tác của cán bộ chấm thi và máy chấm. Nếu máy quá cũ có thể khiến bài thi bị kẹt, scan bị lệch hoặc người chấm chủ quan, đặt phiếu trả lời trắc nghiệm bị nghiêng thì file nhận dạng không đúng.

Theo ông Dũng, nguyên nhân thứ hai khiến kết quả bài thi sai lệch là phiếu trả lời trắc nghiệm không đạt chuẩn. Năm nay, Bộ GD-ĐT không quy định các địa phương phải mua phiếu trả lời cùng một cơ sở in, nên sự chênh lệch về loại giấy này cũng có khả năng dẫn đến sai sót.

“Sự việc ở Tây Ninh có thể do phiếu trả lời trắc nghiệm chưa chuẩn hoặc do cán bộ chấm yếu nghiệp vụ mặc dù được bộ tập huấn kỹ. Điều này có thể xảy ra bởi nếu đơn vị được giao nhiệm vụ chưa từng có kinh nghiệm chấm thi THPT quốc gia trước đó”, ông Dũng nhìn nhận.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận sự cố chấm thi ở Tây Ninh có thể liên quan đến yếu tố kỹ thuật hoặc người thực hiện các thao tác chấm thi chưa có kinh nghiệm. “Chỉ cần rà soát biên bản chấm thi sẽ tìm ra được nguyên nhân thực sự”, ông Sơn nói.

Một cán bộ chấm thi ở một trường ĐH tại TP.HCM cho biết đơn vị này đã phát hiện lỗi bất thường trong chấm thi bài tổ hợp trước đó khi làm nhiệm vụ tại ĐBSCL. Cụ thể, có những điểm thi chỉ có điểm môn thành phần đầu tiên, 2 môn còn lại là điểm 0 tất cả thí sinh. Lỗi được xác định do phần mềm, sau khi Bộ chỉnh sửa gửi phiên bản cập nhật thì khắc phục tình hình.

Trước đó, một số lượng lớn bài thi trắc nghiệm gặp khó khăn trong khâu nhận diện phần mềm chấm thi cũng xảy ra tại tỉnh Ninh Thuận. Theo đại diện Trường ĐH Khánh Hòa (đơn vị chủ trì chấm thi tại đây), phải nhờ tới sự hỗ trợ của tổ phần mềm thuộc Bộ GD-ĐT thì số bài không nhận diện được giảm xuống còn 211 bài. Việc không nhận diện được có thể từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do giấy bài thi không chuẩn với phần mềm.

Được điều chỉnh nguyện vọng sau phúc khảo

Bộ GD-ĐT vừa có thông báo khẩn gửi các sở GD-ĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau phúc khảo. Cụ thể, đối với các thí sinh đã đăng ký xét tuyển có thay đổi điểm sau khi chấm phúc khảo, sở GD-ĐT phải thông báo để tất cả thí sinh biết. Nếu có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì đến ngay các điểm tiếp nhận để điều chỉnh bằng phiếu, kể cả thí sinh đã điều chỉnh trước khi biết điểm phúc khảo nay thay đổi điểm cần điều chỉnh lại.

Bộ cũng yêu cầu các sở tiếp tục rà soát, cập nhật chính xác lên hệ thống phiếu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, tuyệt đối không để sót phiếu (ví dụ quên phiếu) không nhập. Tất cả các công việc trên cần kết thúc trước 17 giờ ngày 2.8.

Hà Ánh

Tác giả: Nhựt Quang

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP