Xe Tàu sẽ ồ ạt xuất hiện trở lại
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2019, ô tô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đạt 5.000 chiếc các loại, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2018. Đáng chú ý, từ tháng 10/2019, xe con dưới 9 chỗ ngồi không có chiếc nào do sự cố bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp tích hợp trên màn hình.
Tuy nhiên, năm 2020, dự báo xe Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam kể cả nhập khẩu nguyên chiếc lẫn lắp ráp trong nước. Các DN kinh doanh ô tô Trung Quốc cho biết sự cố trên đã xử lý xong.
Bên cạnh đó, quy định kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc theo lô cũng được bãi bỏ, thay vào đó là kiểm tra theo mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất. Vì vậy, việc nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc năm 2020 trở đi sẽ thông thoáng hơn rất nhiều. Nhiều mẫu xe mới từ nước này có thể về Việt Nam nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Nhiều mẫu xe Trung Quốc chờ cơ hội hết dịch Covid-19 là tràn vào Việt Nam |
Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN chưa đẩy mạnh nhập khẩu ô tô Trung Quốc. Nhưng khi hết dịch, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đó, ô tô con Trung Quốc từ năm nay cũng bắt đầu được lắp ráp tại Việt Nam.
Mới đây, một DN Việt Nam đã nhập khẩu mẫu xe Brilliance V7 có giá bán công bố 738 triệu đồng. Mẫu xe này sử dụng nền tảng của BMW X3, điển hình là động cơ N18, dung tích xi lanh 1.6L tăng áp công suất tối đa 201 mã lực, hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép. Nội thất Brilliance V7 cũng được trang bị khá tiện nghi.
Cũng đến từ thị trường Trung Quốc, thuộc phân khúc Crossover cỡ C, Dongfeng T5 vừa được công bố giá bán 689 triệu đồng. Ngoại hình Dongfeng T5 có nhiều đường nét được nhận định là giống Volkswagen. Động cơ xe được Dongfeng Việt Nam quảng cáo mang tên mã CE16 của BMW, với 4 xy-lanh, dung tích 1.6L tăng áp, công suất 201 mã lực, cùng hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép.
Ngoài ra các mẫu xe quen thuộc như Zotye, Baic,... cũng chuẩn bị được nhập khẩu trở lại trong thời gian tới.
Đối thủ đáng gờm?
Một thông tin đáng chú ý, Tập đoàn Tan Chong Motor (Malaysia) có nhà máy ô tô tại Đà Nẵng đã tiến hành lắp ráp các mẫu xe con, xe tải và xe buýt của Trung Quốc trong năm nay. Xe con có thương hiệu MG. Đây là thương hiệu ô tô của Anh nhưng thuộc quyền quản lý của tập đoàn SAIC Motor (Trung Quốc).
Nếu lắp ráp tại Việt Nam, giá xe Trung Quốc sẽ giảm mạnh |
Hai mẫu xe dự kiến ra mắt sau khi hết dịch Covid-19 là MG HS và MG ZS. MG HS là chiếc crossover chung phân khúc với Honda CR-V, Mazda CX-5 và Hyundai Tucson. Còn MG ZS là đối thủ cạnh tranh với Ford EcoSport, Hyundai Kona và Honda HR-V. Tại Thái Lan, MG HS được trang bị nhiều công nghệ hiện đại. Chẳng hạn như mẫu MG HS có hệ thống i-SMART với các chức năng điều khiển thông minh bằng tiếng Thái, gọi - gửi tin nhắn, chỉ định tọa độ xe cho bạn bè, đóng cửa sổ trời,... Năm 2019, thương hiệu MG đã bán hơn 25.200 xe, đứng thứ 8 trong top 10 xe bán chạy nhất tại Thái Lan.
Trở ngại lớn đối với xe Trung Quốc nhập khẩu nguyên chiếc hiện nay là thuế cao. Ô tô Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu từ 47-70% tùy loại. Với thuế suất này, giá xe không thể giảm thấp. Vì vậy, xe Trung Quốc gặp bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng ưu đãi thuế 0%.
Mặc dù vậy, đa số xe Trung Quốc vẫn duy trì được giá bán thấp, chỉ bằng gần một nửa so với những mẫu xe thương hiệu Nhật, Mỹ nhập khẩu từ ASEAN cùng phân khúc.
Nếu lắp ráp tại Việt Nam, giá xe sẽ giảm mạnh. Theo tính toán, giá xe khi đó sẽ giảm từ 25-30% so với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Chưa kể, DN đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam có thể được hưởng những chính sách ưu đãi lớn sắp ban hành.
Ngoài Tan Chong Motor, tập đoàn Dong Feng cũng có dự định đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Khi đó, giá xe sẽ giảm mạnh. Chẳng hạn, mẫu Joyear S50 (sedan 5 chỗ) của Dong Feng đang có giá bán 439 triệu đồng sẽ giảm còn hơn 300 triệu đồng, hay mẫu Joyear X5 giá 609 triệu đồng giá sẽ giảm về mức 450 triệu đồng.
Tác giả: Trần Thủy
Nguồn tin: Báo Việt Nam Net