Cuộc sống

Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu vẫn cần một người đàn ông làm trụ cột

Trong suy nghĩ của nhiều người, đàn ông phải là trụ cột gia đình. Thế nhưng thực tế trong không ít gia đình hiện nay phụ nữ lại là người lo toan kinh tế chính. Điều đó được coi như một bước tiến về bình đẳng giới, khi phụ nữ trở nên thành đạt hơn ngoài xã hội. Nhưng trong sự tiến bộ về bình đẳng giới đó nhiều khi lại không mang lại hạnh phúc cho phụ nữ ngay trong chính gia đình họ.

Khi vợ là trụ cột gia đình

Câu chuyện mà anh Nguyễn Mạnh Thắng nhà ở Tân Tây Đô, Đan Phượng, Hà Nội kể với tôi thật bi hài. Hôm đó, khi anh đang ngồi ăn bữa sáng thì thấy có người chuyển bộ salon tới. Anh ngạc nhiên thì vợ lên tiếng: “Em mua mà chưa kịp báo với anh”. Máu nóng dồn lên mặt bởi đây không phải lần đầu vợ anh muốn gì làm nấy, không thèm bàn với chồng. Được biết anh Thắng vốn là chủ một phòng tranh lớn ở Nguyễn Thái Học. Khi mới quen chị Thảo, anh phong độ với túi tiền rủng rỉnh, còn chị là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm.

Anh tuyên bố: “Đám cưới em cứ để anh lo. Nhà cửa cũng vậy, còn việc làm của em, anh sẽ tìm cho”. Mấy năm sau, anh Thắng không may bị lừa đến sập tiệm. Lúc này, chị Thảo đã vững một chân ở công ty dầu khí, tự tin an ủi chồng: “Thôi, anh cứ ở nhà trông con, kinh tế em lo. Mẹ con em chỉ cần anh có mặt ở nhà là đủ.”. Thế nhưng thực tế, việc anh chỉ cần có mặt ở nhà đã chẳng thể nào “đủ”. Anh đưa đón con đi nhà trẻ, lo cơm nước, lau dọn nhà cửa. Lúc đầu, anh cảm thấy đàn ông làm nội trợ cũng thú vị. Nhưng bất ổn dần lộ diện.

Chị Thảo đi làm về, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn và bắt đầu bình luận món này ngon, món kia chưa được. Có hôm, anh vứt đũa, bỏ ngang bữa cơm. Hành động đó lại bị chị Thảo kết luận với con gái rằng: “Bố mày dạo này hâm hâm, không hiểu nổi”. Sự bất ổn còn nằm ở chỗ, mỗi tối, anh lo đọc truyện cổ tích cho con thì vợ ngồi đồng bên laptop, hoặc gọi điện thoại trao đổi việc làm ăn.

Khoảng cách vợ chồng vì thế ngày càng xa. Chị viện lý do “ra ngoài nhiều, quen biết rộng” nên tự chọn trường và lo cho con vào học. Chị bảo “đàn ông không tinh tế bằng phụ nữ về mặt mỹ thuật” nên tự chọn bộ salon theo ý mình. Anh muốn đổi xe máy, chị cũng chọn rồi mua về cho anh, mặc dù anh đã tỏ ý thích kiểu xe khác. Nhiều lần, anh bị bạn bè “khích”: Lo mà đi làm đi, đàn ông phải ngửa tay xin tiền vợ, chịu sao nổi!

Ảnh minh họa.

Điều khiến Thắng thất vọng tràn trề là mỗi lần đối thoại, tranh luận, vợ anh không còn biết lắng nghe, chia sẻ. Trước mắt anh như có một người đàn ông đầy quyền uy và ngang bướng. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, anh không phải chủ lực về kinh tế nên lời nói kém trọng lượng. Buồn bã, anh sinh tật nhậu nhẹt.

Cũng có hoàn cảnh tương tự, anh Quang Hải (quận 9, TP HCM) cũng có nỗi khổ tương tự. Anh Hải vốn là con nhà giàu, từ nhỏ không phải đụng tay đến việc gì. Ngược lại, chị Lương – vợ anh lại phải tự lập từ nhỏ nên rất tháo vát. Những việc đáng lý thuộc về đàn ông như sửa điện, sửa nước, thay bóng đèn, leo mái nhà chống dột… chị giục anh vài lần không được, đều tự tay làm. Giấy tờ nhà đất, chị cũng tự đi làm vì anh không đủ kiên nhẫn chờ cả buổi ở phường để xin một chữ ký. Lâu ngày, anh Hải dần đánh mất vai trò đàn ông của mình trong gia đình. Và cũng vì vậy, nhiều khi chị Lương thiếu tôn trọng chồng khiến các con có cái nhìn không “tròn” về bố.

Thực tế, ngày càng có nhiều phụ nữ giỏi giang, thành đạt. Chuyện người vợ làm chủ lực kinh tế gia đình cũng không còn hiếm. Tuy nhiên, vô hình trung, người vợ thành đạt đó tự thấy mình là trụ cột, còn người chồng cảm thấy mình bị lép vế. Thực chất, có phải là trụ cột hay không, được quyết định ở giá trị tinh thần. Một người đàn ông không kiếm được nhiều tiền hoàn toàn có thể là trụ cột nếu chứng tỏ được khả năng trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đình.

Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (Đại học Sư phạm TP.HCM) khẳng định: Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, khi ở nhà, cũng nên lui về đúng vị trí của mình: Một người vợ đảm đang, hiền lành, nết na và có một chút vâng phục chồng. Nếu người vợ ấy cậy mình “bạo vì tiền”, đưa ra quyết sách cho cả nhà, lấn quyền chồng thì vô tình “cực âm” bị biến thành “cực dương”, mà hai “cực dương” đẩy nhau là điều tất yếu.

Tiến sĩ Nam kết luận: Đàn ông luôn cần nam tính và phụ nữ luôn cần nữ tính. Chính công việc của đàn ông giúp họ nam tính hơn, vậy thì không lý gì phụ nữ cứ phải cố ôm thêm cái chất thuộc về phái nam ấy vào mình. Bởi điều đó chỉ là “lợi bất cập hại”, người vợ “nặng bụng” vì “ôm rơm” quá nhiều, còn người chồng thì tự ái và cảm thấy bị tổn thương.

Người phụ nữ rất cần sự chia sẻ của chồng

Liên quan đến vấn đề trên theo Thạc sỹ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên tâm lý Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhận định: “Phụ nữ làm trụ cột gia đình phản ánh sự thay đổi tất yếu của thời đại năng động. Tôi cổ súy tinh thần phụ nữ độc lập, làm việc bên ngoài mà vẫn chu toàn việc chăm sóc nhà cửa, dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc phụ nữ gánh vác mọi trách nhiệm gia đình thay cho đàn ông, vì những lý do sau: Người trụ cột gia đình được hiểu là người không chỉ làm ra tiền mà còn là chỗ dựa về tinh thần cho gia đình. Vai trò này được chia sẻ cho cả vợ và chồng. Ví như cái nhà cần có nhiều cột trụ, nếu một cái cột mất đi thì tất yếu nhà sẽ nghiêng, lâu ngày dần sụp đổ.

Mặt khác, cột bên trái không thể gánh đỡ phần bên phải ngôi nhà và ngược lại. Vì thế, vai trò trụ cột cần thiết ở cả hai vợ chồng tùy vào ưu thế của mỗi người. Trong hai cái cột này, sẽ có một cột chính và một cột phụ. Nếu vai trò trụ cột chỉ đặt lên vai phụ nữ, người phụ nữ sẽ vất vả hơn nhiều so với đàn ông. Bởi lẽ, ngoài sức vóc không bằng đàn ông, người phụ nữ còn đảm đương chức năng thiên bẩm là mang thai, sinh nở và chăm sóc con cái.

Theo quan niệm cũ, người chồng trụ cột sau giờ làm có thể ung dung ngồi xem ti-vi nhưng người vợ về đến nhà sẽ phải lao vào bếp nấu nướng, dọn dẹp và lo cho các con. Áp lực đè lên vai nặng nề mà càng nặng nề càng dễ căng thẳng, mệt mỏi, cáu gắt… Nếu không hiểu, người đàn ông sẽ cho rằng đó là thái độ xúc phạm, coi thường chồng.

Bản chất hạnh phúc gia đình là sự chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và hòa hợp về tính cách giữa vợ và chồng, chứ không phải do ai đứng vai trò làm trụ cột. Khi cuộc sống biến động, vai trò trụ cột chính có thể được hoán đổi. Bạn có sẵn sàng cho sự hoán đổi này không còn tùy vào sự nhận thức và cảm xúc của chính bạn. Nếu bạn cho việc gánh vác gia đình là bất hạnh, bạn sẽ có những cảm xúc tiêu cực, dễ nóng giận, cáu gắt, đổ lỗi cho chồng… Nếu bạn nghĩ đó là việc cần phải làm vì lý do nọ kia, bạn sẽ có hành động tích cực, phấn đấu vươn lên.

Trường hợp bạn cảm thấy quá mệt mỏi và muốn kêu gọi chồng chung tay gánh vác thì nên làm thế nào? Chuyên gia Tâm Nhàn tư vấn: “Tính cách con người hình thành từ những thói quen trong lối suy nghĩ và hành động. Có thể bản chất chồng bạn là người có trách nhiệm nhưng do hoàn cảnh thuận lợi về kinh tế, vai trò của anh không còn được trọng dụng hoặc do thất chí mà trở nên buông xuôi, bạn nên tập lại thói quen cũ bằng sự khéo léo của người vợ. Mỗi tháng, dù chồng chỉ làm ra 2–3 triệu đồng, bạn không nên chê số tiền ít ỏi.

Hãy yêu cầu anh chi trả một phần chi phí cho gia đình như điện, nước, tiền học thêm của con… Điện nước, đồ dùng hư hỏng, bạn chớ gọi thợ ngay mà nên nhờ anh phát huy vai trò đàn ông… Chú ý cách nói, thái độ bàn bạc hay ghi nhận thành quả lao động tạo cho anh cảm giác sung sướng và tự hào”.

Tác giả bài viết: Hân Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP