Theo tác giả Kiên Trung, tính trung thực và sự công bằng của kì thi phụ thuộc phần lớn vào vai trò của các lãnh đạo hội đồng thi.
Các vị lãnh đạo phải thực sự bản lĩnh mới có thể kiên quyết giữ mình trước những lời nhờ vả, gửi gắm của những người quen thân.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thi tuyển sinh vào lớp 10, lãnh đạo hội đồng coi thi thường do Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các trường tổ chức thi đảm nhiệm.
Sự nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế hay không của hội đồng coi thi phụ thuộc gần như tất cả vào vị trí, vai trò điều hành của các vị lãnh đạo ấy.
Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tính chất phân loại, cạnh tranh cao, phụ huynh nào cũng mong muốn con em thi thật tốt và trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường công lập).
Đến kỳ thi tuyển sinh, có một số phụ huynh thay vì bảo ban, động viên con em thi tốt thì lo đi “chạy” các thầy, cô giáo làm công tác coi thi.
Phụ huynh thừa biết, lãnh đạo hội đồng coi thi có “sức nặng” vô cùng to lớn đến việc đậu hay rớt của con em họ.
Phụ huynh thừa biết “lo” chót lọt lúc làm bài, coi thi là an toàn và chắc chắn nhất (còn “lo” lúc chấm thi thì phức tạp hơn).
Cho nên, trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các phụ huynh thi nhau hỏi thăm, mời mọc, nhờ người quen biết hoặc đích thân tìm đến nhà các thầy, cô giáo làm lãnh đạo hội đồng coi thi gửi gắm, trình bày hoàn cảnh, thậm chí quà cáp, “ra giá” nếu con em thi đỗ…
Những ngày này, lãnh đạo hội đồng coi thi nghe điện thoại, tiếp khách (anh em, bạn bè, bà con… có con cháu thi vào lớp 10) tại nhà đến mệt nghỉ.
Không ít đồng nghiệp của tôi là Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông có tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 tìm nhiều cách để né tránh sự nhờ vả của các bậc phụ huynh như:
Tắt điện thoại, sử dụng số điện thoại mới, trưa, tối ra quán cà phê ngồi, xin cấp trên cho nghỉ làm Chủ tịch, Phó chủ tịch hội đồng coi thi hoặc xin điều động đi trường khác thật xa...
Có một số lãnh đạo nhà trường đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không giữ được mình, tư lợi, thỏa hiệp, dễ dãi, đồng ý “ra tay” giúp đỡ năm, ba trường hợp con em của phụ huynh gửi gắm.
Giám thị phần lớn là anh, chị, em giáo viên, đồng nghiệp của trường mình đang lãnh đạo, quản lý, phân công, sắp xếp họ vào những phòng thi có “gà” và nhờ họ quan tâm, chỉ bài cho một tí, mọi chuyện khó mấy thành dễ, “gà” học dở mấy cũng vượt qua ngoạn mục, thậm chí đỗ điểm cao chót vót.
Đáng mừng, ở trường trung học phổ thông vẫn còn nhiều thầy, cô giáo là Ban giám hiệu nhà trường khi làm nhiệm vụ coi thi tuyển sinh vào 10 rất trách nhiệm, nghiêm túc với tập thể, với bản thân mình, luôn nói không với chuyện tiêu cực trong thi cử, chuyện gửi gắm con em của phụ huynh học sinh.
Đến các buổi thi, quán triệt, yêu cầu các bộ phận, giám thị coi thi thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế và thường xuyên đi xuống các phòng thi kiểm tra, nhắc nhở, nếu có sai phạm thì kiên quyết xử lý.
Không phân công các giáo viên dạy có chuyên môn cùng với môn thi làm giám thị 1 và 2 nhằm ngăn ngừa chuyện giáo viên có thể chỉ bài, có thể táy máy… trong phòng thi.
Tất nhiên, các phụ huynh gửi gắm con em sẽ phải thất vọng khi thầy, cô giáo làm lãnh đạo, làm giám thị coi thi nghiêm túc, giữ vững kỷ cương trường thi.
Tuy nhiên, việc làm đúng đắn của lãnh đạo hội đồng coi thi đã đem lại sự công bằng, khách quan cho mọi thí sinh, được phụ huynh tin tưởng, hoan nghênh, hội đồng sư phạm nhà trường nể trọng.
Ước gì, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay (sắp tới gần) ở các địa phương, đi đâu cũng gặp lãnh đạo hội đồng coi thi bản lĩnh, trách nhiệm, giữ mình đến thế.
Tác giả bài viết: Kiên Trung
Nguồn tin: