Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới ban hành năm 2018 ở khối lớp 10. Điểm mới nhất so với chương trình cũ đó là việc học sinh phải chọn tổ hợp khối với các môn học tự chọn theo sở thích, năng lực.
Theo quy định, học sinh lớp 10 phải học các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh được chọn 4 môn trong số các môn tự chọn gồm Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Học sinh lớp 10 sẽ được đổi môn học lựa chọn và chuyển trường vào dịp cuối năm. (Ảnh minh họa) |
Việc các trường tổ chức dạy học theo các tổ hợp lựa chọn không giống nhau đã khiến cho việc thay đổi tổ hợp và chuyển trường của học sinh lớp 10 năm nay gặp nhiều trở ngại. Lý do, ở các quận, huyện hay các địa phương, các môn học của các em theo học không trùng khớp với trường học các em có nguyện vọng chuyển đến dẫn tới việc các nhà trường chưa thể bố trí việc học tập theo đúng nguyện vọng của học sinh.
Chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh có con học lớp 10 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Mọi năm, sau khi kết thúc học kỳ I là học sinh có nguyện vọng sẽ làm thủ để chuyển trường nhưng năm nay thì khác. Dù đã kết thúc học kỳ I nhưng con trai chị không thể làm thủ tục chuyển trường do trường con chị định chuyển đến không có tổ hợp môn tự chọn trùng với trường đang học. Theo hướng dẫn của Hiệu trưởng, gia đình chị phải chờ kết thúc năm học mới có thể thực hiện việc chuyển trường và phải chọn được trường có tổ hợp môn lựa chọn trùng khít với trường cũ đang học thì mới được chấp nhận.
Cùng nỗi khổ này, anh Bùi Văn Tú ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: “Do cả hai vợ chồng tôi đều chuyển công tác từ Nghệ An ra Hà Nội nên gia đình muốn chuyển con gái đang học lớp 10 ở quê ra cùng. Tuy nhiên, tổ hợp các môn lựa chọn ở trường cũ mà con đang học không trùng khít với trường có nguyện vọng chuyển đến nên Hiệu trưởng nhà trường đã từ chối nhận, đồng thời yêu cầu gia đình chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cá nhân tôi cho rằng, việc áp quy định phải tìm trường có tổ hợp môn tương thích mới cho học sinh chuyển trường là quy định quá cứng nhắc, gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh có nguyện vọng chính đáng”.
Hiệu trưởng một trường THPT công lập trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thừa nhận, kết thúc học kỳ I, đã có rất nhiều phụ huynh đến trình bày và xin cho con chuyển đến trường nhưng nhà trường không thể nhận. Lý do là đối chiếu theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các con không có tổ hợp tương thích giữa trường mới và trường cũ. Vị Hiệu trưởng này cũng cho rằng, ngành giáo dục phải tìm giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người học khi các em có nguyện vọng chuyển nơi cư trú thì được chuyển trường chứ không nên thực hiện một cách cứng nhắc như hiện nay.
Trước sự bối rối của các trường và nhiều địa phương trong việc tiếp nhận học sinh lớp 10 chuyển trường, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông. Theo nội dung công văn, Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường vào cuối năm học.
Tuy nhiên, để được đổi môn lựa chọn, Bộ GD&ĐT yêu cầuhọc sinh phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo. Đồng thời, nhà trường cũng phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt.
Như vậy, với hướng dẫn mới này, Bộ GD&ĐT cho phép học sinh được chuyển đổi môn học lựa chọn và đây cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện việc chuyển trường cho học sinh vào dịp cuối năm, sau khi kết thúc chương trình lớp 10.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, quy định học sinh lớp 10 được tự chọn môn học nhưng vẫn sắp xếp lớp “cứng” như hiện nay gây ra rất nhiều khó khăn. Từ những bất cập vừa qua cho thấy, cách làm của Bộ GD&ĐT trong năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 10 là chưa thực sự khoa học.
Để thuận lợi hơn cho học sinh, trong năm tới, trường THCS và THPT phải làm thật tốt vai trò tư vấn, định hướng để các em cân nhắc, lựa chọn. Thậm chí, sau khi chọn, các em được học thử vài tuần để hình dung, tránh tình trạng bất cập, gây khó khăn cho cả học sinh lẫn các nhà trường như hiện nay. Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định các môn học tự chọn để hạn chế tình trạng sau khi học một thời gian lại có nhu cầu chọn lại do thấy không phù hợp.
Tác giả: Hùng Quân
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân