|
Về mặt phong thủy, một chỗ ở mang tính khép kín độc lập (cho cá nhân hoặc gia đình) thì dù rộng hay hẹp cũng cần là một trường khí thống nhất và đạt tiện ích tối ưu.
Bố trí một chỗ ở dù nhỏ nhưng nếu có đủ các chức năng ăn ở - bếp núc - vệ sinh... thì cũng như quy trình bố trí một ngôi nhà, nên sắp xếp phong thủy từ chung đến riêng, từ ngoài vào trong và căn cứ theo thứ tự môn - táo - chủ.
Ở cấp độ môn (cửa) thì có thể cửa chính của ngôi nhà chung không thay đổi nhưng phần cửa mở vào không gian riêng (cả một lầu hoặc một phòng) thì nên chủ động tính toán cho hợp hướng, hợp cách sử dụng của chủ nhân của phần ra riêng đó. Phần cửa này xem như cửa chính của căn hộ chung cư, cần đảm bảo mở ra khoảng trống (hay khoảng lùi) vừa phải, phù hợp với cấu trúc nhà, và nếu cân nhắc đến chuyện hợp tuổi gia chủ thì càng tốt.
Cần quan tâm đến bếp để đảm bảo nội khí độc lập và trọn vẹn trong nơi ở riêng |
Cấp độ thứ hai là bố trí bếp. Gia đình nhỏ tách ra riêng có thể dùng chung bếp với đại gia đình nhưng cũng có khi tùy theo hoàn cảnh mà làm bếp riêng. Khi đó, phần bếp này cần được xếp đặt theo hướng và vị trí hợp mệnh tuổi của chủ nhân, xem xét các vấn đề tốt xấu như một gian bếp độc lập. Tránh làm bếp sơ sài vì không gian ở dù nhỏ hẹp đến đâu nhưng khi có bếp vẫn luôn là một cơ cấu nội khí hoàn chỉnh, nếu không thì phần ra riêng ấy chỉ là căn phòng, không phải căn hộ.
Cấp độ thứ ba là xem xét các yếu tố liên quan đến chủ nhân, bao gồm vị trí giường ngủ, bàn làm việc, tiếp khách… có màu sắc tương hợp ngũ hành, bố trí nội thất tùy theo gu thẩm mỹ gia chủ hay không. Cần lưu ý khi còn ở chung thì có thể con cái theo cha mẹ về mặt tính toán tuổi tác làm nhà, bố trí nội thất nhưng khi ra riêng thì trở thành một gia đình mới hoàn toàn. Các bậc cha mẹ thời xưa rất xem trọng cách thức "ra riêng trong nhà chung" khi dành sẵn phần đất hoặc phần nhà trong tổng thể để con cái sau này ra riêng và không "can thiệp vào nội bộ" vào không gian riêng đó của con cái.
Bố trí chỗ ngủ - làm việc - tiếp khách liên hoàn nhau trong căn hộ dạng studio giúp tạo nên trường khí thống nhất và tiết kiệm diện tích. ẢNH: SONG NGUYÊN |
Ngôi nhà truyền thống Việt Nam bản chất là một không gian lớn dưới mái nhà chung, dùng các vách ngăn lửng hay tủ kệ để chia mà thôi còn tính chất trường khí vẫn liên tục. Áp dụng quan niệm bố trí này để có thể chủ động phân chia theo cung mệnh cá nhân từng thành viên trong nhà, trên nguyên tắc tăng tốt giảm xấu. Các khu vực cần hướng cát như chỗ tiếp khách, chỗ ngủ, chỗ làm việc… nên có đầy đủ ánh sáng và thông thoáng tự nhiên, nằm về các vị tốt. Còn các chỗ vệ sinh, bếp hoặc tủ để đồ nên đặt về các hướng xấu (tọa hung hướng cát). Nếu lối vào chính của căn hộ ra riêng gặp hướng xấu (nắng gắt, gần hành lang chung, tối tăm…) thì có thể đặt tại lối vào các chức năng phụ như bếp, vệ sinh còn dành phần tốt để cửa sổ và cây xanh ra phía sau.
Sử dụng hệ thống đồ dùng liên hoàn và vách che di động sẽ giúp việc bố trí linh hoạt mà ít chiếm diện tích. Có thể dùng các kiểu ghế tiếp khách ban ngày, ban đêm kéo ra làm giường hoặc tiếp khách theo kiểu Nhật Bản: có một bàn nhỏ không ghế, khi ngủ dùng ngay sàn nhà làm giường. Với phòng ngủ vợ chồng trẻ, nên lưu ý tăng mộc giảm kim để giữ gìn sự đầm ấm trong không gian riêng tư.
Nên tận dụng theo chiều cao để gia tăng tiện ích như góc làm việc, giường tầng, kho, tủ thờ… mà toàn phòng không bị chia nhỏ trường khí, tách bạch được chung riêng, tĩnh động ra hơn. Chỗ cầu thang (nếu có làm gác xép nhỏ) có thể làm tủ kệ đựng đồ, trang trí. Dạng căn hộ studio có thể sử dụng các dạng tủ kệ liên hoàn để giảm diện tích chiếm chỗ, tận dụng ngóc ngách, khung cửa sổ làm nơi chứa đồ và kết hợp trang trí. |
Tác giả: KTS Hoài An
Nguồn tin: Báo Thanh Niên