Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh (Ảnh: AFP). |
"Theo hiến pháp của Afghanistan, trong trường hợp tổng thống vắng mặt, bỏ trốn, từ chức hoặc qua đời, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống lâm thời. Tôi đang ở trong nước và là tổng thống lâm thời hợp pháp. Tôi đang liên hệ với tất cả lãnh đạo để đảm bảo sự hỗ trợ và đồng thuận của họ", Phó Tổng thống Amrullah Saleh thông báo trên mạng xã hội Twitter hôm 17/8.
Chính phủ Afghanistan sụp đổ hôm 15/8 chỉ vài ngày sau khi Taliban đẩy mạnh chiến dịch tiến công, mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan. Tổng thống Ashraf Ghani cùng với một số quan chức cấp cao của chính quyền đã lên máy bay rời đất nước, trước khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul và chiếm dinh tổng thống hôm 16/8.
Hiện chưa rõ hành tung của Tổng thống Ghani, người được phương Tây hậu thuẫn, song một số nguồn tin cho biết ông đã đến Tajikistan, sau đó đến Oman và chuẩn bị cho kế hoạch tới Mỹ. Trong phát biểu đầu tiên sau khi rời khỏi đất nước, Tổng thống Ghani nói rằng ông rời đi để tránh cảnh tượng "đổ máu".
Phó Tổng thống Saleh hôm nay cũng đăng một bình luận khác trên Twitter, nói rằng việc tranh luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden là "vô ích", sau khi chính quyền Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm tham gia cuộc chiến tại đây.
"Không giống như Mỹ và NATO, chúng tôi không đánh mất tinh thần và vẫn nhìn thấy những cơ hội to lớn ở phía trước. Những lời cảnh báo vô ích đã chấm dứt. Hãy tham gia kháng chiến", Phó Tổng thống Afghanistan kêu gọi.
Trong tuyên bố ngày 15/8, ông Saleh cho biết ông sẽ không bao giờ "cúi đầu trước những kẻ khủng bố Taliban".
"Tôi sẽ không khiến cho hàng triệu người lắng nghe tôi thất vọng. Tôi sẽ không bao giờ đứng về phía Taliban. Không bao giờ", ông Saleh tuyên bố.
CNN ngày 17/8 dẫn nguồn thạo tin cho biết Mullah Abdul Ghani Baradar, một trong những người sáng lập Taliban và hiện là phó thủ lĩnh của lực lượng, đang trở về Afghanistan.
"Mullah Baradar cùng một số quan chức cấp cao của Taliban đã rời Doha đến tỉnh Kandahar của Afghanistan", nguồn tin cho biết thêm.
Baradar không đặt chân tới Afghanistan trong 20 năm qua và hiện lãnh đạo bộ phận chính trị của Taliban.
Năm 2010, Baradar bị lực lượng an ninh bắt giữ tại nước láng giềng Pakistan và được thả vào năm 2018 khi Mỹ tăng cường nỗ lực rút quân khỏi Afghanistan.
Cựu Tổng thống Donald Trump và Baradar, trưởng đoàn đàm phán của Taliban, đã nói chuyện qua điện thoại vào năm ngoái, sau khi Mỹ và Taliban ký một thỏa thuận lịch sử tại Qatar vào tháng 3/2020. Ông Trump gọi đây là một cuộc trò chuyện tốt đẹp.
Baradar cũng gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Thiên Tân, Trung Quốc hồi tháng 7. Quan chức Trung Quốc đã gọi Taliban là "lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt" của Afghanistan.
Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen ngày 17/8 cho biết, lực lượng này vẫn chưa quyết định ai sẽ là người lên nắm quyền lãnh đạo tại Afghanistan. Người phát ngôn nói rằng một cuộc tham vấn sẽ được tiến hành với kết quả dự kiến được công bố sau 2-3 ngày.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí