Du lịch

Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035

Ngày 23/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1439/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 với thương hiệu đặc trưng là du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước và con người xứ Nghệ.

Đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%.

Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và Thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.

Đối với các chỉ tiêu phát triển du lịch Nghệ An, phấn đấu tổng khách du lịch khoảng 12,0-13,0 triệu lượt vào năm 2030, đạt khoảng 18,0 -20,0 triệu lượt vào năm 2035. Trong đó, khách quốc tế khoảng 0,8-1,0 triệu lượt vào năm 2030, 1,0-1,2 triệu lượt vào năm 2035; khách nội địa khoảng 11,2-12,0 triệu lượt vào năm 2030, khoảng 17,0- 18,8 triệu lượt vào năm 2035. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng vào năm 2030, đạt khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng vào năm 2035. Tổng số lao động trong ngành du lịch từ 20-22 nghìn người vào năm 2030, 22-25 nghìn người vào năm 2035.

Thay đổi tư duy, liên kết với các vùng, khu vực

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm về thay đổi tư duy, liên kết với các vùng, khu vực trong tỉnh, quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực sáng tạo, chuyển hóa thành động lực phát triển để Nghệ An phải là địa phương thuộc nhóm đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch gắn với kinh tế di sản và công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát, nhận diện thấu đáo các nguồn tài nguyên du lịch theo chuẩn mực quốc tế, bảo tồn, khai thác, tạo mới tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội, lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương.

Tổ chức không gian cùng với các giải pháp chuyển hóa các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, đô thị, nông thôn, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác thành tài nguyên du lịch, phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm, gắn với cộng đồng địa phương tạo tiền đề để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Nghệ An. Nghiên cứu các giải pháp toàn diện trong việc thu hút đầu tư và hiệu quả đặc biệt đến từ đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với việc làm tại chỗ; tiến hành thiết kế khung chính sách, khung sáng kiến, các nguyên lý chỉ đạo, các nhóm công cụ quản trị, giải pháp phát triển du lịch theo phân cấp và khả thi theo giai đoạn.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ưu tiên đột phá như phát triển “du lịch cùng tham gia” đồng khởi theo chiều rộng song song với phát triển du lịch chuyên đề theo chiều sâu trên nền tảng khoa học công nghệ, nguồn lực con người, tạo sức hấp dẫn bằng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng gắn với các chuyên gia và tổ chức chuyên nghiệp.

Tại Quyết định này, UBND tỉnh cũng quy định cụ thể các định hướng về phát triển sản phẩm và thị trường; phát triển không gian du lịch; bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch; phát triển không gian theo phân vùng tài nguyên du lịch; phát triển hệ thống kết nối du lịch, tuor du lịch; phát triển hạ tầng du lịch; các nhóm giải pháp phát triển du lịch. Đồng thời, đưa ra lộ trình thực thi chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2035 với 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2023-2030 và giai đoạn II từ năm 2031-2035.

UBND tỉnh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức công bố rộng rãi Chiến lược để các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân biết và tham gia thực hiện. Các sở, ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Du lịch, tập hợp các nguồn lực, tham gia triển khai, giám sát việc thực hiện Chiến lược và các dự án có liên quan.

UBND các huyện, thành, thị chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương; bố trí ngân sách huyện để thực hiện Chiến lược; chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Chiến lược tại địa phương; phối hợp thực hiện Chiến lược với các địa phương khác trong từng phân vùng và toàn tỉnh…

Tác giả: T.H (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP