Trong nước

Ở nơi người dân hễ buồn là đi... tự tử!

Người đàn ông nọ ám ảnh nỗi buồn mất vợ đã vào rừng ăn lá ngón tự tử. Một người khác uống rượu vào sinh buồn bã, nghĩ quẩn rồi buộc dây treo cổ... Tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), những chuyện này vẫn xảy ra thường xuyên.

Hơn 1 tháng, 10 vụ tự tử

Đồng bào Ka Dong ở các xã miền núi huyện Sơn Tây, chẳng ai lạ gì lá ngón. Loài lá cây chứa độc tố giết người này mọc rất nhiều trên các sườn đồi, thậm chí gần với nương rẫy. Các thôn làng heo hút ở đây vẫn thường xuyên chứng kiến những bi kịch kết thúc bằng lá ngón, để lại những kiếp góa bụa sống lay lắt, tủi buồn.

Người dân Sơn Tây làm thủ tục chôn cất một người treo cổ tự tử.

Ở khu tái định cư Đak Lang (Sơn Dung, Sơn Tây), người dân vẫn chưa quên chuyện ông Đinh Văn Sò tự kết liễu đời mình với ngụm rượu và nhúm... lá ngón. Bà Đinh Thị Hãy (vợ ông Sò) sống kiếp góa bụa từ hơn một năm trước, một mình làm lụng nuôi 4 con nhỏ.

Người dân kể lại, nguyên nhân ông Sò tìm đến cái chết chỉ là do xích mích với vợ. Cũng tại khu tái định cư này, có những trường hợp khác là anh em họ hàng với ông Sò cũng tự tử với những bi kịch khác nhau.

Tháng 10/2014, em Đinh Văn Sờ (cháu ông Sò) bị người thân la mắng đã dại dột chạy vào rừng ăn lá ngón. Cách đó vài tháng, Đinh Văn Phà (em họ ông Sò) giận vợ con không lo làm ăn rồi chán đời, hái lá ngón ăn để lại vợ con sống lay lắt.

Không chỉ Sơn Dung, nhiều xã khác của huyện Sơn Tây cũng thường xuyên xảy ra các vụ tự tử, chủ yếu do ăn lá ngón. Theo thống kê của CA huyện Sơn Tây, năm 2015 huyện này có đến 25 vụ khiến 21 người bỏ mạng.

Điều đáng báo động là dù chính quyền địa phương đã làm đủ biện pháp nhưng tình trạng này vẫn chưa thể kiểm soát. Chỉ tính riêng một tháng rưỡi đầu năm 2016, Sơn Tây đã có 10 vụ tự tử khiến 8 người chết. Mới nhất, ngày 19/2 có 2 người tự kết liễu đời mình.

1001 kiểu nỗi buồn chết chóc!

Những vụ tự tử liên tiếp ở Sơn Tây - thật khó tin - đều xuất phát từ nỗi buồn chán với những lý do rất vụn vặt.

Chính quyền Sơn Tây từng triển khai phương án nhổ, tận diệt loài cây này

Ngày 4/2, CA huyện Sơn Tây nhận được tin báo có vụ tự tử tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long. Nạn nhân sau đó được xác định là ông Đinh Văn Đâu (SN 1950). Người thân tiết lộ với công an, vợ ông Đâu đột ngột mất năm 2013. Kể từ đó con cái ông không nghe lời cha dạy bảo mà trở nên hư hỏng. Quá buồn chán, ông đã treo cổ tự vẫn!

Trước đó ít ngày, tại thôn Tu La, xã Sơn Mùa có em Đinh Văn Thọ (SN 1997) cũng vì nỗi buồn mà tìm đến cái chết. Biên bản của công an ghi lại Thọ vì... uống nhiều rượu, sinh buồn chán rồi không kìm chế bản thân mà buộc dây treo cổ.

Gần như tất cả các vụ tự tử ở vùng núi heo hút này đều do buồn chán. Có những người kết thúc đời mình với những lý do ít ai ngờ tới.

Mới đây, rạng sáng 19/2, người dân thôn Nước Min hoảng hốt bởi những tiếng khóc than từ gia đình bà Đinh Thị Đủ (SN 1950). Bà Đủ được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ giữa nhà. Nguyên nhân sau đó được xác định là do nạn nhân cảm thấy bản thân già yếu, sợ phiền lụy con cái nên tự vẫn.

Gian nan cuộc chiến chống... tự tử!

Chia sẻ với VietNamNet, Thượng tá Đinh Văn Dũng, Trưởng CA huyện Sơn Tây thở dài: công an huyện, các cấp chính quyền đã dùng nhiều biện pháp nhưng các vụ tự tử liên tiếp vẫn xảy ra trên địa bàn.

Một góc khu tái định cư thủy điện Đăkrinh của đồng bào Ka Dong.

Theo thượng tá Dũng, phần nhiều các vụ tự tử ở Sơn Tây đều do ăn lá ngón. Cách đây ít lâu, công an huyện cùng nhiều ngành đã phát động phong trào... nhổ, tận diệt lá ngón.

Chiến dịch này triển khai được một thời gian nhưng không xuể. Các vụ tự tử vẫn diễn ra. Thêm nữa, lực lượng đi nhổ lá ngón cũng có người bị nhiễm độc tố.

Điều đáng ngại là người dân nơi đây rất dễ tìm đến cái chết! Chỉ vì những nỗi buồn chán vụn vặt, bị rầy la, ghen tuông, uống rượu say,... mà người ta có thể nảy ra ý định tự tử.

Công an địa phương tiết lộ, có trường hợp như ông Đinh Trung Ngoan (SN 1966, thôn Đắk Trên, Sơn Dung) sau 2 lần tự tử được người dân cứu sống, nhưng vẫn không bỏ ý định. Ngày 4/2 mới đây, sau khi ăn lá ngón mà không chết, ông dùng đá đập vào đầu, người thân đã không kịp cứu.

“Địa phương đã tuyên truyền nhận thức cho dân, kỹ càng lắm rồi nhưng các vụ tự tử vẫn xảy ra. Phải bằng cách nào đó để người dân tự ý thức rằng, tự tử không chỉ khiến mình mất đi mạng sống, mà còn ảnh hưởng nặng nền đến gia đình, thôn làng và xã hội. Để đạt được điều đó, các ngành chức năng còn nhiều gian nan lắm!”, Thượng tá Dũng cho biết.

Tác giả bài viết: Cao Thái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP