Giáo dục

Nữ sinh lớp 9 mang điện về xã nghèo vùng cao

Khi dự án 'Nguồn sáng bản em' của Minh Trang được triển khai, sau sáu tháng 22 hộ đồng bào Mông, Dao ở Cao Bằng đã có điện.

Chiều 23/3, tại Hà Nội, khi 37 mô hình được xướng tên đoạt giải mô hình tiêu biểu bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nữ sinh Ngọc Minh Trang (lớp 9G, THCS Hợp Giang, Cao Bằng) vỡ òa sung sướng. Dự án cải tiến máy phát điện mini và bóng đèn led của em được giải C và được phát video chia sẻ bởi câu chuyện truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi người.

Bắc Hợp quê Trang là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ở nhiều thôn bản, đồng bào người Mông, người Dao phải sống trong cảnh đói nghèo, thiếu thông tin do không có điện. Chứng kiến sự khó nhọc của bà con, nữ sinh nung nấu suy nghĩ xem có thể làm gì để giúp đỡ.

Trên đường từ nhà ở phường Hợp Giang (TP Cao Bằng) về quê Bắc Hợp, Trang phát hiện nhiều máng nước do người dân dẫn chảy về từ suối tự nhiên. Em nghĩ có thể lợi dụng những máng nước này để vận hành máy phát điện.

Nhưng qua tìm hiểu thực tế, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy phát điện giá thành quá cao, không phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân nghèo trong bản. Hơn nữa nguồn nước chảy về cũng không đủ áp lực để chạy máy phát. Từ đó Trang suy nghĩ cải tiến máy phát điện.

Được sự giúp đỡ của thầy cô, Trang dùng máy phát điện một chiều mini cải tiến lắp thêm thiết bị nhằm ổn định điện áp khiến áp lực nước thay đổi, cải tiến bóng đèn led 220V sang sử dụng điện áp 3-3,7V. Máy phát điện mini hoạt động ổn định với điện áp 3,7V, cường độ dòng điện 250 mA, bóng đèn led sáng.

Ngọc Minh Trang (áo xanh lá cây) nhận giải C từ Ban tổ chức.

Qua khảo sát ban đầu, xã Bắc Hợp có 26 hộ gia đình người dân tộc Mông, Dao sống không có điện. Khi dự án Nguồn sáng bản em của Trang được triển khai, sau sáu tháng 22 hộ dân đã có điện.

"So với máy phát điện thông thường phải dùng sức nước lớn và giá thành đắt thì máy phát điện một chiều của em chỉ khoảng 200.000 đồng, chủ yếu dùng máng nước có sẵn tại các thôn bản. Mặc khác, do sử dụng dòng điện một chiều nên rất an toàn", Trang nói và cho hay mất hơn 4 tháng để lên kế hoạch và thực nghiệm.

Trước đó từ tháng 8/2018, Trung tâm Thông tin truyền hình thiên nhiên và môi trường (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) phát động chương trình bình chọn mô hình tiêu biểu về bảo vệ thiên nhiên và môi trường trong học đường (G.E.P). Sau 4 tháng, Ban tổ chức nhận được hơn 300 mô hình của 250 trường mầm non, tiểu học, THCS phía Bắc.

Qua xét duyệt, Ban tổ chức quyết định lựa chọn 37 mô hình có số điểm cao nhất để công bố trao giải, gồm: 10 mô hình loại A (trị giá 10 triệu đồng/mô hình), 15 mô hình loại B (5 triệu đồng) và 12 mô hình loại C (2,5 triệu đồng).

"Các mô hình trao giải phải có sự sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo vệ môi trường và có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư", ông Trần Văn Miều, Trưởng ban tổ chức chương trình nói về tiêu chí trao giải.

Tác giả: Tú Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP