Ảnh (minh họa): ALAMY |
Theo báo Guardian (Anh), loại kính polymer mới có khả năng tự hàn gắn khi bị nhấn xuống đồng thời dưới áp lực ở nhiệt độ phòng đang được Đại học Tokyo phát triển sau khi một sinh viên ở đây tình cờ phát hiện tính năng đặc biệt "tự liền" của một loại vật chất.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại kính mới do họ phát triển có khả năng tự liền lại sau khi bị rạn nứt hoặc bị vỡ.
Loại kính này được làm từ chất liệu polymer khối lượng thấp có tên là "polyether-thioureas". Loại vật chất này có khả năng tự kết liền lại với nhau khi dùng tay ấn xuống mà không cần can thiệp của nhiệt độ cao để làm tan chảy vật liệu như bình thường.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science với nghiên cứu do giáo sư Takuzo Aida của Đại học Tokyo chủ trì. Nghiên cứu hứa hẹn khả năng tạo ra được loại kính có khả năng tự liền trở lại để sử dụng làm màn hình điện thoại hoặc các loại thiết bị vốn mong manh khác.
Mặc dù cho tới nay người ta đã làm được các loại cao su và nhựa có khả năng tự liền lại, song đây là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu tìm ra được một loại chất liệu cứng có tính năng đó và quá trình tự liền lại có thể diễn ra trong điều kiện nhiệt độ phòng.
Các đặc tính bất ngờ của chất liệu kính polyether-thioureas được sinh viên Yu Yanagisawa tình cờ phát hiện trong quá trình chuẩn bị loại vật liệu này làm keo dính.
Theo đó Yanagisawa nhận thấy khi bề mặt chất polyether-thioureas bị cắt các vết, chúng sẽ tự động nối liền lại với nhau, thành một bề mặt vững chắc sau khi bị ép xuống trong 30 giây ở nhiệt độ 21 độ C.
Các thử nghiệm tiếp theo cho thấy loại vật liệu tự liền lại cũng đạt được độ vững chắc ban đầu của nó sau vài tiếng đồng hồ.
Anh Yanagisawa chia sẻ với đài NHK rằng thoạt đầu anh không thể tin được kết quả này, do đó đã thử lại nhiều lần thí nghiệm để khẳng định phát hiện đó.
Anh nói: "Tôi hy vọng loại kính có thể tự sửa chữa này sẽ trở thành loại vật liệu thân thiện môi trường, tránh việc phải vứt bỏ đồ dùng khi chúng bị rạn, vỡ".
Tác giả: ĐẮC LUÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ