|
Thời gian gần đây, BIDV đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc liên tục rao bán các khoản nợ, thanh lý, bán đấu giá tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp. Tuy nhiên, có nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo rao bán hàng chục lần vẫn “ế”.
BIDV sắp đấu giá khoản nợ từ năm 2014 và 2020 của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh với mức giá khởi điểm của khoản nợ này bằng với tổng dư nợ là 752 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho 2 khoản nợ trên là một loạt bất động sản tại TP.Ninh Bình và TP.Nam Định. Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ còn có phần vốn góp của ông Vũ Đức Thông tại Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh, 1 ô tô BMW M6 Gran Coupe.
|
BIDV cũng đang rao bán 19 thửa đất tại Ninh Bình của bà Vũ Thị Thu Thảo (sinh năm 1992), Tổng giám đốc của một công ty xăng dầu tại Ninh Bình với tổng giá khởi điểm hơn 200 tỷ đồng.
Ngân hàng này mới thông báo phát mại tài sản là khoản nợ của Công ty Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi với giá khởi điểm 914 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ này gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Trà Đa cùng với bất động sản tại Gia Lai và Kon Tum.
Nhiều tài sản đã được BIDV rao bán nhiều lần, hạ giá sâu nhưng vẫn không có người mua.
Cuối tháng 10 vừa qua, BIDV tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hơn 1.136m2 có thời hạn sử dụng đến tháng 7/2058. Mục đích khu đất này là xây thương mại, dịch vụ ở phường 12, quận 6, TP.HCM, thuộc sở hữu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Than Khoáng sản Ngoại thương Sài Gòn. Giá khởi điểm đã giảm hơn 43,7 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên, xuống còn 72,8 tỷ đồng. Đây là tài sản được BIDV rao bán tới 14 lần.
BIDV cũng vừa rao bán đấu giá lần thứ 6 nhà máy xi măng rộng 10.000m2 kèm tài sản trên đất gồm nhà văn phòng; nhà kho clinken; nhà kho xi măng; nhà nghiền xi măng; máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải ở Khu công nghiệp Chơn Thành, tỉnh Bình Phước để thu hồi nợ. Giá được chào bán là 28,2 tỷ đồng. Đây là tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần đầu tư và thương mại DIC.
Tháng 5 vừa qua, BIDV thông báo bán đấu giá lần thứ 17 khoản nợ của Công ty cổ phần Thép Việt Nhật. Nợ gốc là 194 tỷ đồng, lãi là 253 tỷ đồng. Ở lần rao bán này, BIDV ra giá khởi điểm hơn 114 tỷ đồng, chịu mất hết lãi và gần một nửa nợ gốc.
Dự án Nhà máy thủy điện Tân Thượng do Công ty Năng lượng Tân Thượng làm chủ đầu tư cũng được BIDV rao bán đấu giá lần thứ 10, giá khởi điểm 325 tỷ đồng.
Hay Nhà máy xi măng lò quay Áng Sơn tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và các tài sản liên quan cũng mới được BIDV thông báo đấu giá lần thứ 15 với giá khởi điểm hơn 191 tỷ đồng.
Một khoản nợ khác cũng được BIDV hạ giá sau nhiều lần rao bán không có người mua, như khoản nợ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty cổ phần Thanh Tâm bán với giá khởi điểm hơn 346 tỷ đồng (trong khi nợ gốc và lãi gần 600 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, lợi nhuận trước thuế quý III của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt hơn 5.890 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của BIDVđạt hơn 19.760 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại chuyển từ lãi 117 tỷ đồng sang lỗ hơn 266 tỷ đồng vào cuối quý III/2023. Lãi thuần từ các hoạt động khác cũng giảm 29%, xuống còn 2.752 tỷ đồng.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của BIDV giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, mang về 41.266 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Lợi nhuận của BIDV đứng thứ 4 trong Top những ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất trong 9 tháng đầu năm nay. Vị trí thứ 3 vốn quen thuộc của BIDV đã bị MB thế chỗ. MBBank đứng thứ 3 khi đạt hơn 20.000 tỷ đồng. BIDV đứng ở vị trí thứ 4 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 19.760 tỷ đồng.
Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, "á quân" bảng xếp hạng ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất đã thuộc về BIDV. Lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 của BIDV tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 6.942 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt gần 13.900 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn hệ thống.
Như vậy, đến quý III/2023, BIDV đã bị Agribank và MBBank "vượt mặt", văng ra khỏi bảng xếp hạng Top 3 ngân hàng có lợi nhuận tốt nhất 9 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, động lực tăng trưởng lợi nhuận của BIDV chủ yếu đến từ việc giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Kỳ này, BIDV tiết giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro, chỉ còn 15.409 tỷ đồng. Do đó, dù hoạt động chính giảm nhưng lãi trước thuế vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng nợ xấu tính đến 30/9/2023 của BIDV ghi nhận 26.393 tỷ đồng, tăng mạnh đến 50% so với đầu năm.
Sự gia tăng đến từ tất cả nhóm nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 41% lên 4.446 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng đột biến gấp 3,4 lần đầu năm lên mức 9.138 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng gần 9% so với đầu năm lên mức 12.809 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu. Theo đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại BIDV tăng từ 1,16% tại thời điểm đầu năm lên 1,6%.
Xét về số dư nợ xấu, BIDV là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất nhóm Big 4 với 26.393 tỷ đồng và là ngân hàng có số dư nợ xấu cao thứ hai toàn ngành.
Tác giả: Mai Anh
Nguồn tin: vietnamfinance.vn