Trong nước

‘No bụng’ rồi mới cần nghĩ đến văn hóa?

Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu tiếp tục xếp văn hóa lên một trong những dòng đầu trong các văn bản và xuống gần cuối trong cách thực thi.

LTS: Vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.

Trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Ông nói, "Nếu văn hóa còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì văn hóa còn. Đi vào kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, làm sao giữ cho được bản sắc riêng của Hà Nội, con người Hà Nội với chiều sâu văn hóa, phong cách thanh lịch, văn minh".

Hưởng ứng thông điệp của Tổng bí thư, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Mỹ Linh. Mời độc giả cùng tham khảo và trao đổi thêm.

Trong nhiều gia đình trên đất nước Việt Nam thường thấy giấy chứng nhận “gia đình Văn hóa". Khi hỏi nhiều người về nguyên do họ được nhận tấm bằng khen này, đa số đều không thể trả lời được. Đại khái gia đình chấp hành đầy đủ các quy định của khu phố, làng xã, tham gia đầy đủ các khoản đóng góp và phòng trào, vậy thôi.

Tra cứu trên mạng, trong thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tiêu chuẩn đầu tiên để xét phong Gia đình văn hóa: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

Thôi, thế là yên tâm rồi. Gia đình có văn hóa chắc chắn các thành viên phải rất có văn hóa! Hà Nội không còn lễ hội âm nhạc gió mùa không sao, Đà Nẵng chỉ cần có lễ hội bắn pháo hoa là dân vui rồi, trên nhiều trang báo mạng lớn, mục Văn hóa có thể tiếp tục được đổi thành mục giải trí…. Chúng ta không cần băn khoăn nữa.

Tại các văn bản của Đảng và Chính phủ, hai từ văn hóa luôn có một chỗ trân trọng. Chỉ đến khi ra đời sống, thì thực trạng có khác. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tự hỏi rằng Văn hóa là điều gì mà đáng để chúng ta quan tâm thế? Thử điểm lại những hoạt động văn hóa hàng ngày ở những thành phố lớn như Hà Nội – Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh, ngoài vài phim chiếu rạp, một hai show ca nhạc, một vài hoạt động triển lãm lốm đốm xuất hiện, trên bản đồ văn hóa của chúng ta, mỗi ngày còn có gì?

Sân khấu cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mấy năm nay vốn đã khủng hoảng càng khủng hoảng hơn, nhạc giao hưởng thính phòng hay ballet kịch hát là điều xa xỉ mà mỗi lẫn xuất hiện lại khiến giới trí thức hoặc những người dư giả kinh tế nô nức kéo nhau đi như trẩy hội.

Chẳng có ở đâu mà một đêm ballet hay giao hưởng như của Hennesy lại trở thành một sự kiện lớn lao khiến mạng xã hội ngập tràn ảnh như thế. Vậy thì thôi, đừng điểm thêm về các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở những thành phố nhỏ, thêm buồn.

Không thể nói nhà nước không có chủ trương nâng cao và phát triển các hoạt động văn hóa. Đại hội Đảng nào trong các văn kiện cũng đều nhắc đến việc phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Quốc hội cũng nói. Về cơ bản, tại các văn bản của Đảng và Chính phủ, hai từ văn hóa luôn có một chỗ trân trọng.

Chỉ đến khi ra đời sống, thì thực trạng có khác.

Việc quá ít các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quá thiếu những chương trình và chuyên mục văn hóa trên các phương tiện truyền thông, quá hiếm những tác phẩm nghệ thuật lớn suốt nhiều thập kỷ qua, cũng cho thấy phần nào vai trò và vị thế của văn hóa nghệ thuật trong việc thực thi những văn bản ấy vào đời sống hàng ngày.

Lý giải một cách đơn giản nhất, là chúng ta không có tiền. Một cách ngụy biện nhất là chúng ta thiếu tài năng. Một cách thô thiển đời sống tinh thần nhất, là chúng ta no bụng đã rồi mới cần nghĩ đến văn hóa.

Nói về tiền, chúng ta có kinh phí để xây tượng đài ngàn tỉ - qui đổi ra giá trị của những tác phẩm sân khấu, những chương trình Ballet, những buổi hòa nhạc miễn phí cho sinh viên, những thư viện sách cho vùng sâu vùng xa, chúng ta có thể đổi một tượng đài lấy 100 năm hoạt động cho những chương trình ấy. Một vở kịch như Nguyễn Trãi ở Đông quan của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, có thể được dựng với giá 300 triệu. Nghĩa là, chúng ta có thể diễn khắp các trường đại học trên nước Việt, miễn phí trong vòng một năm, chỉ bằng một bức tượng 14 tỉ, vừa mới bị sự cố tại tỉnh Bắc Cạn. Còn nhiều lắm những ví dụ như thế.

Nói về tài, chúng ta có phim được giải quốc tế. Năm nào chúng ta cũng có những nghệ sĩ Việt đi triển lãm ở những bảo tàng danh giá của nước ngoài. Chúng ta có những tài năng trẻ được bước chân vào những trường học lớn trên thế giới. Chúng ta đã hỗ trợ họ phát triển thế nào, hay mới chỉ để họ tự thân vận động?!

Nói đến đời sống tinh thần, chắc chúng ta không có quyền kêu than gì về dân trí hay những tệ nạn xã hội, khi chính chúng ta đã xếp thứ tự ưu tiên đời sống tinh thần xuống sau những thứ tự khác về vật chất.

Nhìn vào con số ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động văn hóa từ hàng chục năm nay, luôn luôn là rất ít. Nhìn vào giáo trình giáo dục từ tiểu học cho đến bậc đại học từ mấy chục năm nay, giáo dục thể chất và văn hóa nghệ thuật luôn chỉ có tính chất thêm nếm, đối phó. Nghĩa là, từ khâu đào tạo ra nguồn công chúng biết tiếp cận đến đời sống văn hóa nghệ thuật, tới khâu đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng, đều chưa được chú trọng.

Đừng ngạc nhiên nếu mỗi tối, hàng bia hơi hay trà chanh đông ngập người; Cũng chẳng nên hoảng hốt nếu thanh niên Việt Nam thích post những clip như đốt chó, đánh người hay cháo bún chửi lên mạng xã hội. Tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần thiếu thốn ấy, mới chỉ là một góc rất nhỏ trong những khủng hoảng về tâm lý và nhân cách con người mà chúng ta sẽ còn phải đối mặt nếu tiếp tục xếp văn hóa lên một trong những dòng đầu trong các văn bản và xuống gần cuối trong cách thực thi.

Còn nhớ một bạn sinh viên từ Mỹ trở về đã hỏi tôi trong một chương trình giao lưu với học sinh sinh viên do Hội sinh viên Việt Nam tổ chức: “Làm sao để em có thể thấy thoải mái tự tin giữa những bạn sinh viên khác khi mà em học giỏi, nhưng vẫn thấy mình thiếu thốn vốn văn hóa nền”.

Đó cũng là câu hỏi không chỉ của một bạn sinh viên mà của rất nhiều người Việt Nam khi đi ra thế giới. Thế giới phẳng giúp mọi công dân trên thế giới gần nhau hơn. Internet giúp chúng ta tiếp cận tới trí thức nhanh hơn, nhưng chính điều ấy lại khiến chúng ta cần một giá trị được tạo dựng bằng nền tảng văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Tôi không nghĩ, khi đi đâu đó, chúng ta có thể cắp nách tấm bằng khen gia đình văn hóa để thấy mình tự tin hơn với vốn hiểu biết. Nói hài hước thế chỉ để nói rằng văn hóa cần được chúng ta hiểu theo một cách sâu sắc hơn, cần được chúng ta chú trọng hơn trong cách ứng xử.

Nhìn ra những nước lân cận cách Việt Nam không xa, cũng có cùng những bước phát triển lịch sử với nhiều thăng trầm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản....sẽ thấy Văn hóa góp phần giúp nền kinh tế phát triển và nâng cao vị thế của dân tộc thế nào. Những điều này chắc chắn với chúng ta không mới, chỉ có điều chúng ta có quyết nhìn nó như một vấn đề sống còn để đất nước phát triển hơn hay không mà thôi.

Tác giả: Nguyễn Mỹ Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP