Trong nước

Những thay đổi sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt

Sau bước kiện toàn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội, bộ máy lãnh đạo chủ chốt có nhiều thay đổi. Trong 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, 9 người được giao đảm đương trọng trách mới.

Ngày 8/4, kỳ họp thứ 11, cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đã bế mạc, hoàn thành nhiều nội dung quan trọng về kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt.

Như vậy, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến khi việc sắp xếp, kiện toàn nhân sự hoàn tất, các vị trí lãnh đạo chủ chốt đã có nhiều thay đổi.

4 vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội lần lượt do 4 ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ nắm giữ.

9 ủy viên Bộ Chính trị được giao trọng trách mới

Tại Đại hội XIII của Đảng, có 18 người được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII sau Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, trong đó có 8 trường hợp tái cử và 10 người tham gia lần đầu.

Đến nay, sau khi kiện toàn, 9 người tiếp tục giữ các chức danh cũ, còn 9 người được giao đảm đương những cương vị mới.

Những ủy viên Bộ Chính trị tiếp tục giữ chức danh cũ gồm:

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

- Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

- Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

- Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường.

- Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng.

Trong số này, có 2 ủy viên Bộ Chính trị vừa qua được Quốc hội miễn nhiệm chức danh. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh được phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước vào ngày 2/4. Sau khi Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch nước được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hơn 2 năm qua, trong hoàn cảnh cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Dù nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước.

Các đại biểu Quốc hội đã thực hiện quy trình bỏ phiếu bầu, miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo chủ chốt tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quốc hội.

Trong khi đó, chức danh Bộ trưởng Ngoại giao của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm hôm 6/4. Như vậy, trong giai đoạn tới, số thành viên Chính phủ sẽ tăng thêm 1 do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh không còn kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Người kế nhiệm ông là Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn - cũng được biết đến là một nhà ngoại giao lão luyện với hơn 35 năm công tác trong ngành.

9 Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhận các chức danh mới sau kiện toàn gồm:

- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (chức danh cũ là Thủ tướng).

- Thủ tướng Phạm Minh Chính (chức danh cũ là Trưởng ban Tổ chức Trung ương).

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (chức danh cũ Bí thư Thành ủy Hà Nội).

- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (chức danh cũ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).

- Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (Trưởng ban Dân vận Trung ương). Bà Mai cũng là nữ Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầu tiên trong lịch sử.

- Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (chức danh cũ là Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

- Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).

- Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (chức danh cũ là Bộ trưởng Bộ Công thương).

- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (chức danh cũ là Bộ trưởng Tài chính).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu trong kỳ họp cuối của khóa XIV.

3 lãnh đạo chủ chốt sau khi được tín nhiệm đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại hình ảnh con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình dồn dập bão tố, từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp. Song, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới trong thực hiện “mục tiêu kép”, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Nhận định trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp phải sóng dữ và gió lớn, có cả thời cơ và thách thức đan xen, nhưng Chủ tịch nước tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ may mắn và vinh dự khi được tiếp nối những thành quả quan trọng mà Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để lại.

3 lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội thực hiện nghi lễ tuyên thệ tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Thuận Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ đây là vinh dự với cá nhân, nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề khi Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ.

Nêu 5 nhiệm vụ ưu tiên khi nắm giữ cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các Thủ tướng tiền nhiệm; nỗ lực cùng Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Cũng chia sẻ về vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nhậm chức đã cảm ơn sự tín nhiệm dành cho ông, đồng thời cam kết sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội các đại biểu tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thay đổi sau sắp xếp trong Ban Bí thư

Đối với Ban Bí thư Trung ương Đảng, tại cuộc họp hôm 9/4, Bộ Chính trị đã thống nhất phân công 4 ủy viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, gồm: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Theo đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII gồm 11 người do Ban Chấp hành Trung ương bầu và do Bộ Chính trị phân công tham gia.

Bà Trương Thị Mai và Bùi Thị Minh Hoài nhận quyết định phân công nhiệm vụ mới từ Bộ Chính trị. Ảnh: Hải Quân.

Trong số này, chỉ có 5 người không có sự điều chuyển công tác, 6 nhân sự còn lại được sắp xếp, phân công và bầu, phê chuẩn vào các chức danh mới, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị là ông Võ Văn Thưởng và bà Trương Thị Mai.

Còn lại ông Nguyễn Trọng Nghĩa từ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam được phân công giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến được chỉ định làm Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Bùi Thị Minh Hoài được phân công giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái được phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Phó thủ tướng.

Như vậy, đến nay, việc sắp xếp nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đã hoàn tất.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP