|
Tài năng, bản lĩnh và sự quyết tâm là những tố chất cần có để những nữ doanh nhân chèo lái khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên thương trường.
Sở hữu những thương hiệu gây tiếng vang lớn của Việt Nam, bên cạnh tài năng của doanh nhân, những “nữ tướng” Việt còn gây ấn tượng bởi sự dung dị, nhân hậu và trí tuệ. Họ xứng đáng là niềm tự hào của phái nữ Việt Nam với hình tượng đáng ngưỡng mộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nữ tướng ngành hàng không
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà Thảo thi đỗ đại học Ngoại Thương Hà Nội và sau đó được đi du học Đông Âu. Trong cộng đồng du học sinh lúc bấy giờ, bà Thảo nhanh chóng nổi lên nhờ thành tích học tập xuất sắc. Ở tuổi 27 bà đã nhận tấm bằng Tiến sỹ Điều khiển học kinh tế, cùng với 2 tấm bằng cử nhân Quản lý kinh tế lao động và cử nhân Tài chính tín dụng.
Thời điểm này, bằng sự nhanh nhạy của bản thân đã giúp bà nhận thấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà Thảo kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu.
Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị… Chỉ sau 3 năm tích lũy nhờ buôn bán hàng hóa qua lại giữa các nước, bà Thảo có trong tay 1 triệu USD khi chỉ mới 21 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang nằm trong top 1000 người giàu nhất thế giới. |
Trở về Việt Nam, bà Thảo khá kín tiếng với truyền thông, nhưng lại cực kỳ năng nổ trên thương trường. Bà tham gia sáng lập và điều hành 2 ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank, sau đó đầu tư vào HDBank. Nổi bật nhất là việc bà Thảo lập ra Vietjet Air, phá vỡ thế độc tôn của Vietnam Airlines trên thị trường hàng không, xây dựng một thương hiệu hàng không riêng giúp cho người dân được tiếp cận với các đường bay giá rẻ.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với khối tài sản khi đó được ước tính rơi vào khoảng 1,2 tỷ USD. Đến tháng 3/2018, tài sản bà Thảo tăng vọt lên 3,1 tỷ USD nhưng giảm 2 năm sau đó.
Theo số liệu thời gian thực của Forbes, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air tính đến ngày 4/3/2022 đã tăng lên 3,1 tỷ USD, đưa bà Thảo trở thành người giàu thứ 987 thế giới. Trong số các nữ tỷ phú trên thế giới, bà Thảo hiện là người giàu thứ 119.
Đồng thời hiện nay bà cũng thuộc top 10 tỷ phú giàu nhất Việt Nam khi đứng vững ở vị trí số 4 trên bảng xếp hạng do Forbes công bố.
Hai nữ tỷ phú tại Vingroup
Một số phụ nữ trở nên giàu có sau khi kết hôn với đại gia thành đạt. Song điều này không đúng với bà Phạm Thu Hương, vợ Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống ở Hà Nội, bà Hương sinh năm 1969 được giáo dục nghiêm khắc và học rất giỏi khi nằm trong số ít sinh viên xuất sắc được sang Liên Xô du học. Tại đây, bà gặp gỡ ông Vượng, trở thành vợ của ông và cùng chồng trải qua những tháng ngày gian khó trên đất Nga rồi lập nghiệp tại Ukraina. Sau khi tốt nghiệp, bà Hương không quay về nước mà cùng chồng ở lại Matxcơva để lập nghiệp.
Một thời gian sau, vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng chuyển sang Ukraina kinh doanh trước khi trở về Việt Nam và thành lập Tập đoàn Vingroup. Dưới sự lãnh đạo của vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup đã phát triển thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Năm 2002, ông Vượng bắt đầu thực hiện đầu tư tại Việt Nam với mong muốn góp phần thay đổi diện mạo đất nước và mang tới cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Từ đó đến nay, bà Hương là một trong những lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Vingroup.
Bà Phạm Thu Hương - người vợ kín tiếng của tỷ phú giàu nhất Việt Nam. |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và bà Hương có với nhau 3 người con: Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Hoàng và Phạm Nhật Minh Anh. Tuy nhiên, những thông tin và hình ảnh về các thành viên trong gia đình đều ít xuất hiện trên truyền thông.
Thành công của người giàu nhất Việt Nam hiện nay - tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng - có sự đóng góp không nhỏ của bà.
Bà Phạm Thu Hương thường xuyên có tên trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu VIC.
Tính theo thị giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup chốt phiên giao dịch ngày 7/3 ở mức 78.500 đồng/CP, tổng giá trị tài sản của bà Hương đạt mức hơn 13.000 tỷ đồng, xếp vị trí 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Một bóng hồng khác đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của Vingroup là Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng, sinh ngày 10/9/1974 tại Hà Nội. Bà có 2 người chị gồm Phạm Thu Hương – vợ của Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Ngọc Linh.
Bà Phạm Thúy Hằng đã tham gia Technocom từ những ngày đầu trước khi Technocom trở thành tập đoàn VinGroup hùng mạnh, hàng đầu Việt Nam như ngày hôm nay.
Đồng hành cùng sự phát triển và thành công của tập đoàn Vingroup, bà Hằng cũng trở thành một tỷ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam. Kết thúc năm 2019, bà đang giữ vị trí số 7 trong số 10 người giàu nhất với trị giá tài sản ước tính đạt 11.601 tỷ.
Hiện nay, bà sở hữu hơn 113 triệu cổ phiếu của Vingroup và giá trị tài sản được ước tính rơi vào khoảng 8.800 tỷ đồng (tính theo thị giá VIC ngày 8/3/2022).
Nếu gộp cả khối tài sản của chồng là ông Nguyễn Quốc Thành thì tổng tài sản của vợ chồng bà Phạm Thúy Hằng lên đến gần 10.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, giống như chị gái - bà Phạm Thu Hương, bà Hằng rất kín tiếng và ít khi xuất hiện trước báo giới. Bà Phạm Thúy Hằng thường xuyên đứng trong top 5 người phụ nữ giàu nhất Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp.
"Nữ hoàng" cá tra và khát vọng vươn tầm thế giới
Bà Trương Thị Lệ Khanh, sinh năm 1961, một người con vùng đất An Giang, là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, bà Lệ Khanh đã được giao nhiều trọng trách lớn trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại.
Cụ thể, năm 23 tuổi, bà đã được bổ nhiệm vào sở Tài chính tỉnh An Giang; chỉ 2 năm sau, bà đã trở thành kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Ở tuổi 25, bà Khanh giữ chức Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Năm 30 tuổi, bà đảm nhiệm vai trò Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang. 5 năm sau đó, bà đã trở thành trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty FIDECO. Đây là những bước đệm để bà tiến tới xây dựng Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn).
Bà Trương Thị Lệ Khanh với khát vọng vươn tầm thế giới. |
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được thành lập cuối năm 1997 tại phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Công ty tập trung xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa. Nhờ việc am hiểu các hoạt động ngoại thương và có mối quan hệ từ trước, bà Khanh sớm tìm được chỗ đứng cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
Trong suốt thời gian 2006-2008, Vĩnh Hoàn dưới sự lãnh đạo của bà Khanh đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá basa. Năm 2009, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 2 và dẫn đầu kể từ năm 2010 đến nay.
Bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen) của tạp chí Forbes.
Với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 80 triệu cổ phiếu doanh nghiệp mình làm Chủ tịch, khối tài sản của "nữ hoàng cá tra" đang nắm giữ có giá thị trường lên tới gần 6.104 tỷ đồng (Tính theo thị giá ngày 8/3/2022). Với khối tài sản này, nữ đại gia 61 tuổi người An Giang đang đứng trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Người đưa thương hiệu sữa Việt Nam lên bản đồ thế giới
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại thủ đô Paris nước Pháp. Bố mẹ của bà vốn là bác sĩ quê gốc ở Vị Thanh thuộc tỉnh Hậu Giang. Gia đình của bà luôn dành tình cảm rất lớn cho đất nước đã sinh ra mình. Vì thế, họ quyết định vượt qua mọi thiếu thốn để quay trở về Việt Nam vào năm 1957.
Bà Liên vốn là một kỹ sư công nghệ phục vụ trong ngành chế biến thực phẩm. Bà hoàn toàn đi lên bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Trong nhiều năm công tác tại các xí nghiệp nhà nước, bà Mai Kiều Liên đã mạnh dạn áp dụng các công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Chính nhờ sự thông thái trong chiến lược phát triển này mà "nữ tướng" Mai Kiều Liên đã dẫn dắt Vinamilk đến thành công như ngày hôm nay.
Doanh nhân Mai Kiều Liên, người mang sữa Việt lên bản đồ thế giới. |
Sự thành công của Vinamilk nói riêng và bà Mai Kiều Liên còn góp phần mang đến công ăn, việc làm cho hàng triệu gia đình nông dân ở Việt Nam. Vinamilk hiện có hơn 15 chi nhánh trải dài khắp đất nước, hàng chục ngàn đại lý, doanh thu hàng năm vượt trên 2 tỷ đô la. Vinamilk cũng nằm trong top những thương hiệu mạnh của quốc gia.
Ở cột mốc 45 tuổi, còn khá non trẻ so với nhiều tên tuổi lớn của ngành sữa thế giới, Vinamilk hiện đang ở trong top 40 công ty sữa lớn nhất thế giới với vị thứ 36 và thương hiệu này cũng là đại diện duy nhất của Đông Nam Á góp mặt trong "Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu" của Brand Finance với định giá 2,4 tỷ USD.
Gắn bó với Vinamilk và ngành sữa Việt Nam gần 45 năm, có thể nói, bà Liên không chỉ để lại dấu ấn mạnh mẽ với cương vị là một nữ lãnh đạo tài ba trên thương trường mà còn là hình ảnh truyền cảm hứng của người phụ nữ Việt Nam trong thời kì đổi mới.
Với các đóng góp lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp, ngành và đất nước, bà Mai Kiều Liên đã vinh dự được nhận các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2005); Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì (2006, 2001); được vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017)". Từ năm 1996 đến năm 2001, bà được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII.
Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế uy tín như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có đóng góp nổi bật cho nền kinh tế Việt Nam và khu vực.
"Bông hồng thép" với tư tưởng tiên phong
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nối nghiệp cha, tháng 5/1968, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ khi mới 16 tuổi. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, sau đó, bà Thanh Mai được đi du học tại CHDC Đức.
Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, mảng Điều hoà không khí, bà lập gia đình với một tiến sĩ hoá học người Việt tại Đức rồi cùng chồng trở về nước. Sau đó, bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (Tp. Hồ Chí Minh) và bà đã được đề nghị kế vị chức Giám đốc xí nghiệp ở tuổi 33.
"Bông hồng thép" Nguyễn Thị Mai Thanh. |
Năm 1992, với cương vị là người lãnh đạo, bà Mai Thanh đã dẫn dắt xí nghiệp của thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Năm 1993, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập.
Dưới sự dẫn dắt gần 40 năm qua của bà Mai Thanh, REE từ một xí nghiệp nhỏ đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành với giá trị vốn hóa cao nhất thị trường (tại thời điểm 8/3/2022, giá trị vốn hóa của REE là 23.117 tỷ đồng). Đây cũng là 1 trong 2 doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000.
Sở hữu gần 38 triệu cổ phiếu của REE, khối tài sản ước tính hơn 2.842 tỷ đồng (tính theo thị giá của REE ngày 8/3/2022), bà Nguyễn Thị Mai Thanh đang nằm trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2014, doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh đã được vinh danh bởi Tạp chí Forbes, bà đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) và thường xuyên góp mặt trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
Nguồn tin: nguoiduatin.vn