Cụm từ “sống thử” có lẽ không còn lạ lẫm đối với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên khi phải sống xa nhà, tự lập. Khi được hỏi về quan điểm “sống thử” nhiều sinh viên coi đó là bình thường. Có lẽ chính vì lối suy nghĩ ấy đã khiến nhiều bạn nữ có thai ngoài ý muốn phải nạo phá thai gây nên hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc sau này.
Sinh viên nên cân nhắc trước khi “sống thử” để không để lại những hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa) |
Khi “sống thử” trở thành chuyện bình thường!
“Chuyện “sống thử” với sinh viên bây giờ không hiếm. Ngay trong lớp mình, phải có đến 5-6 bạn như vậy. Không hề giấu các bạn cùng lớp, bạn mình thường lên lớp kể về cuộc sống chung với bạn gái. Các bạn kể từ chuyện về phòng được phục vụ như một người chồng thế nào, cho đến những chuyện cãi vã, đụng tay đụng chân đánh nhau vì những mâu thuẫn trong sinh hoạt ra sao. Thậm chí có bạn còn khoe tháng này sống thử với bạn gái A., nhưng 3-4 tháng sau lại chia tay đến sống thử với bạn gái B. và xem đó như chiến tích tình trường đáng tự hào. Bây giờ nhiều bạn sinh viên sống thoáng lắm”, Nguyễn Trọng Hoàng (sinh viên trường Đại học Thương mại, Hà Nội) chia sẻ.
Hiện nay, người trẻ “sống thử” theo những cách hoàn toàn khác nhau, thay đổi hơn so với những năm trước. Việc sống thử ở ký túc xá hiếm gặp. Chủ yếu các đôi dọn về ở với nhau tại phòng trọ, chung cư. Nếu có bố mẹ, người quen của một trong 2 người đến chơi thì sẽ gửi đồ sang phòng bên cạnh. Người còn lại sẽ đi ở nhờ đâu đó vài hôm rồi lại quay về sống với nhau như vợ chồng. Có cặp đôi còn sống thử theo kiểu tuy về sống chung với nhau trong một phòng nhưng vẫn giữ phòng thuê còn lại, lâu lâu mới về ở để đối phó khi phụ huynh lên thăm con, hoặc khi xảy ra cãi vã thì về lại phòng cũ.
Nguyễn Đỗ Cẩm Anh (sinh viên trường Đại học Nội vụ) kể về câu chuyện bạn cùng phòng: “Mình sống cùng một bạn nữ tên Ngọc được 1 năm nay, thời gian gần đây bạn ấy có người yêu. Bạn trai của Ngọc thường xuyên đến chơi và ngủ lại phòng. Lúc đầu vì ngại nên mình đã lên gác xép ngủ để cho 2 bạn riêng tư, nhưng rồi bạn trai của Ngọc cứ liên tục đến và ngủ lại. Nhiều khi có cả chuyện tế nhị khiến mình phải đeo tai nghe, chùm chăn kín mặt để khỏi ngượng. Mình đã nhiều lần nói chuyện với Ngọc nhưng cô ấy tỏ thái độ không hài lòng, nghĩ vì mình ghen tỵ. Vậy nên mình đã chuyển ra ngoài ở cho họ tự nhiên”.
Có một thực tế hiện nay, không bằng hình thức này, thì bằng cách khác những người trẻ yêu nhau vẫn luôn muốn được trải nghiệm “sống thử”. Không chỉ là dọn về cùng ăn cùng ở mà họ có thể tìm hiểu và gần gũi nhau qua một chuyến du lịch hay đi “phượt” vài ngày để trải nghiệm những cảm xúc mới.
60-70% số ca nạo phá thai là sinh viên, học sinh
Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Các chuyên gia cảnh báo, các biến chứng trong khi mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ từ 15-19 tuổi, và những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên cũng thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn các trẻ em khác.
Trước những con số biết nói ấy, có thể thấy thực trạng đáng báo động về tình trạng sống buông thả của một bộ phận học sinh, sinh viên. Nhiều ngày bám chân bên ngoài các nhà nghỉ quanh khu vực phố Trần Duy Hưng, phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên không hiếm gặp cảnh các đôi nam nữ chở nhau vào nhà nghỉ. Thậm chí, có buổi trưa, hai học sinh mặc đồng phục bịt kín khẩu trang chở nhau bằng xe đạp điện vào một nhà nghỉ sâu trong ngõ.
Tại một số cửa hàng bán thuốc ở Hà Nội, hình ảnh những cô gái mặt non nớt vào hỏi mua thuốc tránh thai khẩn cấp, que thử thai không còn lạ lẫm với những người bán hàng. Có thời điểm sau các dịp cuối tuần, ngày lễ lớn các cửa hàng thậm chí còn “cháy” các mặt hàng này.
Không dừng lại ở đó, khi đã đi quá giới hạn và có hậu quả nhiều bạn trẻ tìm đến các cơ sở y tế “chui” để giải quyết vì sợ đến bệnh viện lớn sẽ gặp người quen. Có mặt ở những nơi tập trung nhiều cơ sở phá thai như khu vực Bệnh viện 103 Hà Đông, dốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khu vực gần Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi mới thật sự sốc trước hình ảnh cứ sau giờ tan tầm, nườm nượp các đôi trai gái bịt khẩu trang, đeo kính nhìn trước ngó sau dẫn nhau vào các trung tâm nạo phá thai.
Có nên “sống thử”?
Theo GS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội xã hội học Việt Nam: “Việc người trẻ “sống thử” thật ra không thể kiểm soát, bởi lẽ xuất phát từ tình cảm và cả hai người đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, việc nam nữ có tình cảm về sinh hoạt ăn ở như vợ chồng không tránh khỏi việc quan hệ trước hôn nhân. Nhiều bạn đã chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để không ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập. Nhưng, không phải không có những trường hợp trở thành ông bố bà mẹ khi mới 18-19 tuổi.
Độ tuổi này các bạn trẻ là sinh viên thường vẫn sống dựa vào nguồn trợ cấp của gia đình, một số bạn năng nổ có thể đi làm thêm để phụ thêm phần chi tiêu. Tuy nhiên, thật sự họ là những người chưa tự chủ được tài chính. Việc hai người là sinh viên sống với nhau có lẽ sẽ “tiết kiệm” tiền phòng, tiền ăn… nhưng khi là một gia đình và có con thì cuộc sống hôn nhân màu hồng sẽ bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè bẹp. Tôi vẫn khuyên các bạn nên thực sự cân nhắc khi “sống thử” và có các biện pháp để không có thai ngoài ý muốn, tránh để lại hậu quả đáng buồn ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc...”.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: “Nền văn hóa và giáo dục phương Đông không khuyến khích và chấp nhận “sống thử”. Sinh viên phải sống xa gia đình nên phá rào “sống thử”. Dù xã hội có chấp nhận hay không thì việc thảo luận về “sống thử”, điều kiện để “sống thử” mà không gây hậu quả đáng tiếc là cần thiết. Giới trẻ thì tò mò, thích “sống thử”, nhưng “sống thử” mà gặt hái được một cái kết tốt đẹp thì khá hiếm, đặc biệt với nữ sinh viên sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy, các em nên thận trọng trước khi quyết định “sống thử”.
Để “sống thử” được, cần có một số điều kiện cụ thể: điều kiện về kiến thức và kỹ năng (về tâm sinh lý, giới tính, tổ chức cuộc sống, tính trách nhiệm, luật pháp, nguyên tắc và kỹ năng ứng xử, thương lượng...), điều kiện về sự tự chủ tài chính nhất định, điều kiện về sự thống nhất giữa hai bên... Thường sinh viên “sống thử” ít để ý chuyện này. Việc có “sống thử” hay không, và “sống thử” như thế nào phụ thuộc vào quan niệm, điều kiện... của chính sinh viên. Nếu các sinh viên giấu giếm, không chia sẻ với ai, khi bị xâm hại thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng rất nguy hiểm; hay chỉ đơn thuần ốm đau bất thường nguy hiểm không có ai giúp đỡ; do đó, phải cân nhắc rất kỹ việc “sống thử”
|
“Nền văn hóa và giáo dục phương Đông không khuyến khích và chấp nhận “sống thử”. Sinh viên có điều kiện sống xa gia đình nên phá rào “sống thử”. Dù xã hội có chấp nhận hay không thì việc thảo luận về “sống thử”, điều kiện để “sống thử” mà không gây hậu quả đáng tiếc là cần thiết. Sinh viên nên thận trọng trước khi quyết định “sống thử”. PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
“Việc người trẻ “sống thử” thật ra không thể kiểm soát, bởi lẽ xuất phát từ tình cảm và cả hai người đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tôi vẫn khuyên các bạn nên thực sự cân nhắc khi “sống thử” và có các biện pháp để không có thai ngoài ý muốn, tránh để lại hậu quả đáng buồn, ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc…”. GS.TS Trịnh Hòa Bình (Phó Tổng Thư ký Hội xã hội học Việt Nam) |
Tác giả: Linh Nhi
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô