Xã hội

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2

Vứt rác thải ra đường bị phạt tới 1 triệu đồng, miễn phí cấp căn cước công dân một số đối tượng, đổi mã vùng điện thoại cố định…là những chính sách có hiệu lực từ tháng 2.

Nghị định số 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2.

Theo quy định này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Một số hành vi sẽ bị phạt nặng như: Vứt, thải, bỏ đầu mẫu thuốc là không đúng nơi quy định vị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện không đúng quy định vị phạt 1-3 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt 3-5 triệu đồng; vứt thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải bị phạt 5-7 triệu đồng...

Một số đối tượng được miễn, giảm phí cấp CCCD

Thông tư số 256 của Bộ Tài chính và thay thế Thông tư số 170 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân (CCCD).

Công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định trên.

Mẫu thẻ căn cước công dân. Ảnh: N.H
Mẫu thẻ căn cước công dân. Ảnh: N.H

Các trường hợp được miễn lệ phí gồm công dân dưới 16 tuổi; đổi thẻ khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; cấp mới, đổi, cấp lại thẻ cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh...


Thông tư này có hiệu lực từ 1/2.

Đổi mã vùng điện thoại cố định cả nước

Theo Quyết định 2036/QĐ-BTTTT về việc chuyển đổi mã vùng viễn thông, việc chuyển đổi mã vùng viễn thông sẽ diễn ra ba giai đoạn, bắt đầu từ tháng 2-2017 đến tháng 7-2018.


Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ 11-2-2017, áp dụng cho 13 tỉnh, thành phố.


Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 15-4 và giai đoạn 3 từ ngày 17-6 áp dụng cho các tỉnh, thành phố. Việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong vòng một tháng cho mỗi giai đoạn.


Trong khoảng thời gian đó, người dân có thể dùng song song mã vùng mới hoặc cũ. Sau ngày 13-3 (của đợt 1), ngày 14-5 (của đợt 2) và ngày 16-7 (của đợt 3), các tỉnh, thành này sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn.


Chế độ cho cán bộ tiếp công dân


Thông tư 320 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/2 quy định những người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hưởng chế độ bồi dưỡng như sau:


Cán bộ làm nhiệm vụ ở trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người nếu chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề;


Cán bộ đang hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề được bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.


Cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tại trụ sở tiếp công dân Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/ ngày/người.

Cán bộ tiếp công dân có chế độ bồi dưỡng mới từ tháng 2. Ảnh: Thu Hằng.
Cán bộ tiếp công dân có chế độ bồi dưỡng mới từ tháng 2. Ảnh: Thu Hằng.

Thủ tục thị thực điện tử cho người nước ngoài

Nghị định 07/2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo đó, từ 1/2, người nước ngoài muốn có thị thực điện tử sẽ thực hiện theo các bước sau:

Khai thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử tại Trang thông tin cấp thị thực điện tử, tải ảnh và mẫu nhân thân hộ chiếu; nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí vào tài khoản quy định.

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) sẽ trả lời người dân.

Tác giả bài viết: Thắng Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP