Giải trí

Những bức tranh sen chân dung Bác Hồ

Ông Bảy Nghĩa, 64 tuổi, ở Đồng Tháp, theo đuổi việc sáng tác tranh lá sen chân dung Bác Hồ gần 8 năm qua, hoàn thiện hơn 150 bức tranh. Khách hàng của ông khắp trong và ngoài nước.

Ông Lê Văn Nghĩa (bìa trái) thuyết minh với khách tham quan triển lãm tranh sen tại Lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ 2 - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ông Lê Văn Nghĩa (tên thường gọi Bảy Nghĩa, ngụ ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã có gần 8 năm chuyên tâm sáng tác những bức chân dung Bác Hồ bằng lá sen.

Trước đó ông làm tranh bằng vỏ tràm một khoảng thời gian, sau đó nhận thấy lá sen có nét đặc trưng riêng, nguyên liệu dễ tìm nên ông chuyển hẳn sáng tác tranh lá sen.

Căn nhà nhỏ của ông tách làm hai gian, gian chính để sinh hoạt, còn bên mé trái chiều ngang khoảng 3m, dài 10m bày dụng cụ làm tranh, lá sen khô, trên vách treo kín tranh đã hoàn thiện.

Ông Bảy Nghĩa cho hay nguyên liệu làm tranh lá sen là những lá sen khô phơi đủ nắng nhiều ngày, khi mới làm ông dùng lá sen mọi kích cỡ, non hay già đều được.

Nhưng sau này khi làm qua nhiều bức tranh, quá trình làm ông nhận thấy lá sen già làm tranh là tốt nhất, đạt được độ bền cao, gân lá sen già chế tác được nhiều chi tiết hơn.

Tận dụng khoảng sân trước nhà, người nghệ nhân đem phơi lá sen rồi tỉ mỉ xem độ lên màu, độ dẻo dùng làm tranh lá sen - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Một bức tranh làm từ lá sen sẽ thực hiện qua các công đoạn gồm: khâu chuẩn bị nguyên liệu (mua lá sen, phơi lá ngày và đêm để đạt được độ dẻo, phân loại màu sắc đậm nhạt); cắt hoặc xé lá sen; ghép những lá sen lên khuôn tranh, phủ keo cố định các chi tiết; xử lý mối mọt, chống ẩm và đóng khung.

Lúc đầu ông làm tranh bằng lá sen, sau đó nghiên cứu tận dụng cả gân sen để có chi tiết sắc sảo hơn. Khi bức tranh hoàn thành, ông Bảy Nghĩa tỉ mỉ kiểm tra lại từng đường nét, chi tiết tranh thật cẩn thận rồi mới đóng khung.

Ông Bảy Nghĩa chỉnh sửa cẩn thận từng đường nét trên tranh trước khi đóng khung giao cho khách - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cái khó của sáng tác tranh lá sen là không có phác thảo trước, với chân dung Bác Hồ, nghệ nhân Bảy Nghĩa lưu ý những chi tiết đặc biệt như vầng trán cao, đôi mắt sáng, sâu, nụ cười đôn hậu... làm sao thể hiện được hình ảnh gần gũi giản dị của Bác.

Làm tranh xong lại phải nghĩ cách bảo quản tranh, do đặc tính lá sen có độ co giãn, biến đổi màu, mối mọt đục trong lá sen dễ gây hư hỏng.

Thông thường một bức chân dung làm bằng lá sen mất 4-5 ngày, có lúc ông Bảy phải thức làm thâu đêm để kịp giao tranh dịp lễ 2-9 hay 19-5 ngày sinh nhật Bác khách đặt hàng nhiều.

"Dịp 19-5 này sinh nhật Bác Hồ, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ hội sen, tôi thức đêm làm xong mấy bức tranh theo đơn hàng giao đi TP.HCM và trưng bày triển lãm trong lễ hội", ông Nghĩa nói.

Để có được bức chân dung hoàn mỹ nhất, có khi ông Bảy Nghĩa phải thức làm thâu đêm - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đến nay ông Bảy Nghĩa đã làm ra hàng ngàn bức tranh lá sen thể hiện chân dung các chính khách trong và ngoài nước, chân dung theo đơn đặt hàng. Trong đó có hơn 150 bức tranh Bác Hồ bằng lá sen.

Mỗi bức tranh lá sen kích thước 30cm x 40cm giá 4 triệu đồng, 40cm x 50cm giá 5 triệu đồng. Ông Bảy Nghĩa khoe hiện nay tranh lá sen của ông được nhiều người gần xa yêu thích mua làm quà tặng, tranh lá sen còn "bay" ra nước ngoài nhiều không nhớ hết.

Du khách xem triển lãm tranh lá sen tại công viên Văn Miếu, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tác giả: Đặng Tuyết

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP