Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Theo giới thiệu trên website, tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập năm 1992 với tiền thân là công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Ban đầu, doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, nhưng hiện nay Vạn Thịnh Phát kinh doanh trên nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản.
Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, bởi thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website, và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông.
“Bóng hồng” quyền lực đứng sau Vạn Thịnh Phát
Chủ tịch HDQT là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng. Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan khá “bí ẩn” khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan giàu cỡ nào?
Kinh doanh thương mại và nhà hàng, sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Trong cơ cấu tổ chức của Vạn Thịnh Phát, thì có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.
Công ty thứ hai là CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group. Đây chính là công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng được đề cập trên website của Vạn Thịnh Phát. VTP Group Holdings góp hơn 5.200 tỷ đồng vào công ty này và là cổ đông chính sở hữu 41% cổ phần. Cá nhân bà Trương Mỹ Lan cũng góp 1.920 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần của VTP Group.
Như vậy, chỉ riêng tại 2 công ty trên, bà Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường. Tất nhiên, đây chỉ là con số tính theo mệnh giá.
Hệ thống Vạn Thịnh Phát còn có 3 công ty liên quan nữa là CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam, CTCP Đầu tư An Đông và CTCP Tập đoàn Saigon Peninsula (tên cũ CTCP Đại Trường Sơn).
Bà Trương Mỹ Lan từng gây xôn xao dư luận và được báo chí nhắc đến như một nữ đại gia Sài Gòn “chịu chơi” khi đầu tư vào Thuận Kiều Plaza và phá dỡ toàn bộ tòa nhà này để xây mới.
Bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát một thời gian là tâm điểm “bí ẩn” của dư luận. Một trong những sự kiện đầu tiên khiến cho Vạn Thịnh Phát bắt đầu được dư luận chú ý là vào hồi tháng 6/2013, doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM).
Bên cạnh đó, tập đoàn An Thịnh Phát từng nắm giữ rất nhiều dự án khiến người ta phải nể phục vì quy mô “khủng” của nó như Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Trung tâm thương mại Thuận Kiều, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence….
Tuy nhiên, cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Đến nay, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những tập đoàn bề thế và bí ẩn nhất Việt Nam, thông tin về những người chủ đều rất hiếm hoi, và gần như họ không tiếp xúc với giới truyền thông.
Tác giả bài viết: Hoàng Linh