Giáo dục

Nhức nhối nạn bạo lực học đường

Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới nhưng thời gian gần đây xảy ra liên tục và bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, làm cho các bậc phụ huynh rất lo lắng.

Hơn 1 tháng sau ngày bị đánh hội đồng trong đêm, em N.N.B.H. (SN 2009, học sinh tại Trung tâm GDTX huyện Củ Chi) vẫn chưa ổn định tinh thần, không thể đến trường vì bị ám ảnh, tâm lý khủng hoảng nghiêm trọng. Ngày 30/8, em N.N.B.H. bị em T.N.Y.N. (SN 2008) đang học lớp 11 Trường THPT Tân Thông Hội, huyện Củ Chi và một số bạn đánh đập dã man tại bãi đất trống vì mâu thuẫn ngoài xã hội.

Nữ sinh lớp 7 ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương bị đánh trước cổng trường xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Một clip dài hơn 3 phút đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận về một nhóm học sinh lớp 8 dùng mũ bảo hiểm, ghế nhựa liên tục đánh bạn học khiến nam sinh bị thương phải nhập viện điều trị. Sự việc xảy ra ngày 23/9 tại Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Cho rằng một số bạn cùng trường “nhìn đểu” mình, một học sinh ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã gây hấn và rủ bạn bên ngoài trường đến đánh một học sinh khác bị thương nặng phải nhập viện điều trị. Sự việc xảy ra vào trưa 20/9 giữa một học sinh lớp 10A8 và một số học sinh lớp 11A7 của Trường THPT Bù Đăng.

Đau buồn nhất vẫn là vụ nữ sinh lớp 12 đâm tử vong nữ sinh lớp 11 xảy ra vào tối 6/3/2024 tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Do có mâu thuẫn trên mạng xã hội từ trước nên khoảng 20h30 tối 6/3, em P.N.N.H (SN 2007, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và em T.T.M.Th (SN 2005, học sinh lớp 12, Trường THPT Y Đôn, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) đã hẹn gặp nhau tại khu vực trước cổng Trường mầm non Sơn Ca, thị xã An Khê để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, 2 nữ sinh lao vào đánh nhau, T. rút dao mang theo đâm loạn xạ về phía H. khiến em này tử vong.

Tại Trường Cao đẳng công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng xảy ra đánh nhau giữa một số sinh viên vào sáng 25/9, tại đường số 36, phường Linh Đông, TP Thủ Đức. Mâu thuẫn xuất phát từ việc làm đổ chai nước trong lúc uống nước. Sau khi tan trường, nhóm sinh viên rủ thêm nhiều bạn khác vây đánh hội đồng 2 bạn học. Cơ quan Công an đã vào cuộc.

Trước nạn bạo lực học đường ngày càng nguy hiểm, nhiều học sinh không còn thấy trường học là nơi vui vẻ, bình yên, hạnh phúc. Phụ huynh cũng bất an, lo lắng. Các em đánh như cố tình tước đoạt mạng sống của người khác.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương cho rằng, giáo dục từ gia đình là căn cơ nhất. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, không nên giao phó hết cho nhà trường hay giáo viên.

Với nhà trường, cần có biện pháp cô lập kịp thời các em gây ra bạo lực học đường, không để tiếp tục gây hậu quả đáng tiếc. Cũng cần liên lạc kịp thời với gia đình nạn nhân để phối hợp xử lý. Trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của nhà trường thì thông báo với chính quyền hoặc Công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Nhà trường cũng phải trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho học sinh, sinh viên, khuyến khích các em cùng nhau xây dựng một môi trường học đường an toàn và thân thiện. Đồng thời, cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường học và lắp camera hành lang, phòng học, góc khuất, giờ nghỉ giải lao phải có nhân viên kiểm tra gần khu vực nhà vệ sinh để tránh kéo bạn vào đó để đánh.

Bạo lực học đường tùy vào mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chỉ điều tra rồi giảng hoà, nhà trường kỷ luật nhắc nhở thì không đi tới đâu, bạo lực học đường sẽ ngày càng bạo lực hơn, manh động hơn.

Tác giả: Nguyễn Cảnh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP