Pháp luật

Nhóm đối tượng dựng chuyện "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ cứu thai phụ nhiễm Covid-19": Có căn cứ khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc hư cấu "bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ" luật sư cho rằng, có căn cứ để khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ việc hư cấu "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để cứu thai phụ nhiễm Covid-19" gây xôn xao dư luận, hiện Sở Y tế TPHCM đang phối hợp các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc trên.

Lấy hình ảnh từ những cuộc phẫu thuật của bác sĩ Cao Hữu Thịnh để cắt ghép hư cấu vào câu chuyện “bác sĩ Khoa” rút ống thở của mẹ cứu thành công sản phụ song thai gây bức xúc. Ảnh: L.N

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này có căn cứ khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nhóm đối tượng này theo quy định của pháp luật.

May mắn cơ quan chức năng và cộng đồng mạng kịp thời điều tra, xác minh, phát hiện ra những yếu tố bất thường và kết luận đây là tin giả trước khi nhiều người mất tiền cho các đối tượng trục lợi.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Dẫn thông tin về việc nhóm đối tượng này có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản, luật sư Cường cho rằng, với sức lan tỏa nhanh chóng của các câu chuyện này, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này.

Chưa kể trước đó, nhóm đối tượng này còn chia sẻ nhiều câu chuyện lên MXH để "mong cầu" tình thương từ người dùng mạng, không chỉ câu chuyện về "bác sĩ Khoa".

Điển hình như câu chuyện một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử được nhóm này đăng lên mạng kêu gọi ủng hộ tiền làm đám tang, hay như câu chuyện bản thân "nhân vật Lam" bị ung thư máu từ nhỏ, người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra và được ba hiến tủy để cứu sống…

Một số câu chuyện nhóm này bịa ra để kêu gọi lòng thương từ mọi người, sau đó kêu gọi ủng hộ đến số tài khoản đã được "lập trình" sẵn.

Tất cả nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa "quỹ ung thư 82", kèm số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre. Nhiều người đã mắc bẫy và chuyển tiền ủng hộ.

Do đó, câu chuyện về "bác sĩ Khoa" rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên Facebook được cho rằng cũng là một trong vô số những chiêu lừa đảo đó.

Do đó, luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015 để tiếp tục điều tra làm rõ thông tin về các đối tượng phạm tội, khi có đầy đủ thông tin thì sẽ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đăng thông tin công khai về phía cơ quan điều tra để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.

Theo quy định của pháp luật, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 bộ Luật Hình sự năm 2015. Số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Đối tượng đã lấy ảnh của 1 bác sĩ Răng - Hàm - Mặt người nước ngoài để lập Facebook bác sĩ Khoa của Việt Nam.

Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội... nên chế tài đối với nhóm đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Cường phân tích: "Hành vi lừa đảo như vậy ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tử tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội. Sự việc khiến người ta nghi ngờ vào lòng tốt, làm cho con người trở nên hoài nghi lẫn nhau, những người gặp khó khăn hoạn nạn thực sự thì sẽ ít có cơ hội được người khác giúp đỡ.

Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành Y tế và lực lượng chống dịch. Mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội đều sẽ xử lý nghiêm minh theo tinh thần của Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao".

Trước đó, từ đêm 7/8 đến rạng sáng 8/8, trên mạng xã hội và từ nhiều Facebook đã đưa thông tin về bác sĩ tên Khoa đang chăm sóc bố và mẹ mắc Covid-19 nặng cùng một sản phụ chuẩn bị sinh đôi.

Thông tin trên mạng xã hội còn hư cấu rằng, ba mẹ của chủ tài khoản được nêu là bác sĩ Khoa cũng làm trong ngành y tế, đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may mắc Covid-19 rồi trở nặng, được đưa vào nơi vị này công tác để điều trị.

Tuy nhiên, theo chia sẻ từ những đồng nghiệp của vị bác sĩ Khoa và mạng xã hội thì khi bố mất và mẹ nguy kịch có thể không qua khỏi, vị bác sĩ này đã quyết định rút ống thở của mẹ để nhường lại sự sống cho sản phụ và thực hiện cuộc mổ bắt con thành công.

Thông tin được chia sẻ với tốc độ nhanh chóng cùng nhiều bình luận tiếc thương. Ngoài ra, trên các trang Facebook cũng chia sẻ hình ảnh bác sĩ thực hiện ca mổ thành công, 2 con trai của sản phụ khoẻ mạnh.

Thế nhưng cho đến sáng 8/8, tất cả các thông tin mà "bác sĩ Khoa" đăng tải trên Facebook cá nhân cũng đều bị xóa.

Qua xác minh từ các cơ quan chức năng có liên quan của TP.HCM, ngày 8/8 VAFC khẳng định thông tin nêu trên là tin giả.

Còn hình ảnh lan truyền về bác sĩ mổ bắt con được cho là của bác sĩ Khoa trên mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt, thực chất đây là hình ảnh mổ bắt con trước đây tại một bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố.

Chưa kể, hình ảnh "bác sĩ Khoa" hay những Facebook từng bình luận qua lại trên trang cá nhân này đều được lấy ảnh từ các nhân vật nước ngoài, từ bác sĩ Răng - Hàm - Mặt nước ngoài cho đến diễn viên người Hàn Quốc...

Tác giả: PV

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP