Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) cho thấy nợ có khả năng mất vốn tăng 128% so với hồi đầu năm, ghi nhận mức 11.858 tỷ đồng (chiếm 71% tổng nợ xấu).
Bóng đen nợ xấu đang hiện rõ khi tính đến cuối quý II, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại một số ngân hàng đã vượt xa con số 3%. |
Nợ có khả năng mất vốn tăng hơn gấp đôi nhưng nửa đầu năm, nhà băng này ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc khi báo lãi 11.607 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2021, thực hiện gần 60% kế hoạch năm.
Tính đến 30/6, tổng tài sản VietinBank đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. Tiền mặt ghi nhận có 9.828 tỷ đồng, giảm 13,3%, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng tăng 26% lên 188.405 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu CTG giao dịch mức 28.750 đồng/cổ phiếu, giảm 15% so hồi đầu năm (1/1 – 18/8), tương ứng mỗi cổ phiếu bị “thổi bay” 5.150 đồng.
Tiếp sau VietinBank là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID) với khoản nợ xấu nhóm 5 ở mức hơn 8.064 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tổng nợ xấu ghi nhận 15.139 tỷ đồng, tăng 11,8%.
Theo báo cáo hợp nhất, 6 tháng đầu năm BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 30/6/2022, BIDV vẫn tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tài sản với 1,97 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với cuối năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 6,2%, trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh 36% với 39.742 tỷ đồng.
Cổ phiếu BID chốt ngày 18/8 ở mức 39.600 đồng/cổ phiếu, so hồi đầu năm tăng 6,7%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB) đứng thứ ba với khoản nợ có khả năng mất vốn hơn 4.970 tỷ đồng, tăng hơn 2,4 lần so hồi đầu năm. Tổng nợ xấu cao nhất toàn ngành với hơn 20.625 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm.
Báo cáo cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, nhà băng này đã ghi nhận gần 31.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi (hoạt động cho vay) của ngân hàng đã tăng gần 11%, mang về hơn 20.350 tỷ, tương đương 64% tổng thu nhập. Lãi trước thuế gần 15.323 tỷ đồng, tăng tới 70%.
Trên thị trường, giá cổ phiếu VPB hiện ở mức 30.050 đồng/cổ phiếu, giảm 16% so hồi đầu năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã NVB) cũng là ngân hàng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng cao trong quý II với hơn 1.129 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so hồi đầu năm. Tính đến thời điểm lập báo cáo, NCB ghi nhận tổng nợ xấu ở mức 4.899 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm. Về tỷ lệ nợ xấu, đến hết quý II, nợ xấu tại NCB tăng lên 11,04%, tương đương với việc cứ 100 đồng nợ tại NCB thì có đến 11 đồng là nợ xấu.
Thêm một cái tên nhà băng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng vọt là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã MBB). Theo báo cáo, MBB có khoản nợ xấu nhóm 5 ghi nhận 1.826 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với đầu năm.
Trên thị trường, cổ phiếu MBB đang giao dịch mức 27.600 đồng/cổ phiếu, giảm 4,5% so đầu năm.
Tác giả: HÒA BÌNH
Nguồn tin: vtc.vn