Thế giới

Nhà xác chật kín thi thể ở "điểm nóng" Covid-19 tại châu Âu

Việc người dân không sẵn sàng tiêm vaccine là một trong những nguyên nhân khiến Romania và Bulgaria đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng tại châu Âu.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện Đại học Bucharest, Romania (Ảnh: Reuters).

Romania và Bulgaria là hai nước hiện ghi nhận tỷ lệ tử vong vì Covid-19 hàng ngày cao nhất tại Liên minh Châu Âu (EU).

"Mỗi ngày có một ngôi làng đang biến mất ở Romania. Nếu trong một tuần hoặc một tháng thì sao? Một ngôi làng lớn hơn? Hay một thành phố sẽ biến mất? Khi nào chúng ta mới chấm dứt?", Catalin Cirstoiu, người đứng đầu Bệnh viện Đại học Bucharest, than thở trong tuần này. Tại nhà xác của bệnh viện, thi thể của các nạn nhân tử vong vì Covid-19 chất đầy bên trong.

Cristiou nói với AP rằng bệnh viện sắp chạm đến ngưỡng giới hạn. Tất cả đều do một nguyên nhân: người dân không nhận thức được rằng họ cần tiêm chủng.

Trong khi các ca nhiễm mới gần đây bắt đầu giảm, Bulgaria tuần này đã báo cáo số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày trên một triệu dân được ghi nhận ở Bulgaria là 22,8, so với mức trung bình của EU là 3,1.

Tại Romania, tỷ lệ tử vong trung bình hàng ngày trên một triệu dân được ghi nhận vào tuần trước là 23,7 và kể từ đó đến nay đã giảm xuống 21, theo số liệu của OurWorldInData.

Mặc dù có nguồn cung vaccine dồi dào, Romania và Bulgaria là 2 nước có tỷ lệ dân số tiêm chủng đầy đủ thấp nhất ở EU: 34,5% người dân Romania đã tiêm đủ hai mũi, còn ở Bulgaria là 23,04%. Con số này rất thấp so với mức trung bình 65,2% trên toàn EU, với các quốc gia như Pháp, Phần Lan, Italy, Ireland, Bỉ, Đan Mạch và Tây Ban Nha đều đạt gần hoặc vượt 70%, còn Malta và Bồ Đào Nha vượt 80%.

Ở cả hai quốc gia trên, phần lớn số ca tử vong tập trung ở những người không được tiêm chủng. Tại Bulgaria, Ivan Poromanski, người đứng đầu bệnh viện Pirogov ở Sofia, nói với truyền thông địa phương rằng, 9/10 bệnh nhân tại phòng điều trị Covid-19 đã tử vong, và trong số các ca tử vong, những người đã tiêm vaccine chiếm phần "rất nhỏ".

Các nhà chức trách Romania đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn từ cách đây 2 tuần, bao gồm lệnh giới nghiêm lúc 10 giờ tối và bắt buộc người dân phải có giấy chứng nhận tiêm chủng nếu muốn tham gia các hoạt động như tập thể dục, tới rạp chiếu phim hoặc trung tâm mua sắm.

Theo Bộ Y tế Romania, hơn 90% trường hợp tử vong tại nước này là những người chưa được tiêm chủng và khoảng 85% ở độ tuổi trên 60. Tâm lý thiếu tin tưởng, tình trạng sống cô lập và thông tin sai lệch khiến nhiều người, đặc biệt người cao tuổi, không muốn tiêm vaccine.

Tuy nhiên, Maria Sajin, quản lý một nhà xác bệnh viện, cho biết một số người thiệt mạng ở độ tuổi 20-25, chứ không chỉ riêng người già. "Họ không hiểu rằng họ cần phải tiêm vaccine, rằng không có thuốc điều trị Covid-19. Không ai hiểu rằng vaccine cứu sống được nhiều người", Sajin nói.

Valeriu Gheorghita, điều phối viên chiến dịch tiêm chủng của Romania, nói với Reuters rằng, nhiều người có tâm lý rằng "ở tuổi của tôi, tôi sẽ sống theo cách tôi muốn".

"Rất khó thuyết phục mọi người tiêm chủng, vấn đề là cách họ nhìn nhận cuộc sống và nguy cơ mắc bệnh", Gheorghita cho biết.

Gheorghita nói rằng không giống các nước EU khác, nơi có nhiều người cao tuổi đang sống trong các viện dưỡng lão, ở Romania, người cao tuổi thường sống trong nhà một mình và khó tiếp cận hơn. "Và vấn đề về lòng tin, họ cực kỳ do dự việc tiêm vaccine", Gheorghita cho biết thêm.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP