Đang tập trung thu hoạch 2 sào hành tăm chị Lê Thị Tý ở xóm 3 Thanh Văn chia sẻ: “Trước đây đất này chủ yếu trồng ngô, năng suất thấp, giá lại rẻ nên tôi chuyển sang trồng hành tăm; tính ra hành thu nhập cao hơn rất nhiều. Đặc điểm của cây hành tăm là ngắn ngày, từ khi trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng. Từ tháng thứ 2 đã có thể nhổ cả lá và củ để bán nên thu hoạch rải vụ với hiệu quả rất cao”.
Nhiều hộ dân xã Thanh Văn (Thanh Chương) đã tập trung đầu tư cho cây hành tăm. Ảnh: Đình Hà |
Chị Tý chỉ là một trong rất nhiều hộ dân ở xã Thanh Văn trồng hành tăm theo hướng hàng hóa. Từ giá trị của cây hành tăm nâng lên theo từng vụ, năm nay xã Thanh Văn trồng hơn 10 ha, hộ nhiều khoảng 5 sào, hộ ít cũng trên 1 sào.
Theo ông Nguyễn Như Thiện - thành viên HTX Thanh Văn, năm nay thời tiết thuận lợi nên hành phát triển tốt, dù đã tỉa bán hành lá từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm thu hoạch năng suất bình quân vẫn đạt cao, từ 250 - 300 kg /sào; hiện giá bán tại ruộng là 35 - 40.000 đồng /kg, mỗi sào ước đạt khoảng 10 triệu đồng. Với diện tích 10 ha, người dân Thanh Văn có thể thu được khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Theo người dân xã Thanh Văn, mỗi sào hành có thể thu hoạch từ 250 - 300 kg củ. Ảnh: Đình Hà |
Với ưu điểm là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, không phải đầu tư nhiều lại phù hợp với đất cồn vệ, nên người dân yên tâm với giống cây này. “Để bà con yên tâm hơn HTX đã cung ứng các loại giống tốt và thực hiện liên kết với các đại lý ở thành phố Vinh, chợ đầu mối ở các tỉnh phía Nam tìm nguồn bao tiêu sản phẩm” - Ông Thiện cho biết thêm.
Hiện giá bán hành tăm tại ruộng là 40.000 đồng/kg. Ảnh: Đình Hà |
Trong bối cảnh các loại hàng nông sản luôn gặp cảnh “được mùa rớt giá”, nhớ lại vụ này năm trước hành tăm chỉ có giá 10.000 đồng, nay với mức giá 35 - 40.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại là một niềm vui.Bà con còn chia sẻ, vào cuối năm ngoái hành giống có lúc lên đến 120.000 đồng, dịp Tết là 70.000 đồng/kg.
Kinh nghiệm thực tế người dân đã tiến hành trồng hành theo 2 biện pháp chính là trồng trên lưới cước và trồng trực tiếp trên đất. Điểm khác nhau giữa 2 phương pháp này là trồng lưới dễ thu hoạch, vì hành nằm trên lưới khi thu hoạch chỉ cần nhấc lưới lên trút hành vào bào bao bì là xong; nhưng nhược điểm của loại củ hành trồng trên lưới là do bám rễ ít nên mau hỏng.
Cách trồng hành trực tiếp trên đất thì thời gian thu hoạch vất vả hơn, nhưng củ để được lâu; trồng trực tiếp trên đất do hành ra rễ nhiều nên cũng có thể nhổ bán dần không phải chờ đến khi thu hoạch.
Tác giả: Đình Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An